Chủ tịch UBND huyện Sa Pa đối thoại trực tuyến với cá nhân, tổ chức về chủ đề "Giải pháp phát triển bền vững du lịch Sa Pa"
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, 9h00 ngày28/10/2015, Cổng TTĐT tỉnh Lào Cai tổ chức chương trình Đối thoại trực tuyến giữa các tổ chức, cá nhân với Chủ tịch UBND huyện Sa Pa, về chủ đề “Giải pháp phát triển bền vững du lịch Sa Pa”.
  • Người hỏi: Nguyễn Thị Mỹ Ngọc - quận Thanh Đa, thành phố Hồ Chí Minh; Nguyễn Ngọc Nam - Hà Nội
    Thưa ông, tôi là một du khách đã hai lần đến với Sapa. Lần đầu tôi đến Sapa cách đây hơn 10 năm, ấn tượng trong tôi là một Sa Pa thơ mộng, đặc biệt là những buổi sáng sớm và chiều tà, Sa Pa như một bức tranh thủy mặc. Lần thứ 2 tôi đến với Sa Pa là năm 2013, tôi thấy Sa Pa thực sự đang chuyển mình trở thành một đô thị trong tương lai. Tuy nhiên, tôi thấy dường như không gian xanh cũng từ đó mà bị thu hẹp lại bởi tốc độ đô thị hóa, rất khó để thấy được những vườn đào phai với thân rêu phong, những rặng tre, trúc bao quanh ruộng cải xoong xanh rờn; những hàng rào hoa tầm xuân, hoa hồng rất đặc trưng của Sa Pa thay vào đó là những con đường bê tông, tường rào làm mất hẳn vẻ thơ mộng vốn có. Với tư cách là người đứng đầu chính quyền huyện xin ông cho biết Sa Pa có giải pháp gì để gìn giữ vẻ đẹp thơ mộng của Sa Pa trước tốc độ đô thị hóa hiện nay?
    Ông Vũ Hùng Dũng, Chủ tịch UBND huyện Sa Pa

    Xin trân trọng cám ơn bạn đã quan tâm đến sự phát triển du lịch của Sa Pa! Câu hỏi của bạn cũng là vấn đề đang được huyện Sa Pa quan tâm và cần phải sớm được giải quyết. Để giải quyết vấn đền này, huyện Sa Pa đang cùng với các ngành của tỉnh xây dựng các quy hoạch:

    1. Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sa Pa đến năm 2030;

    2. Điều chỉnh quy hoạch chung đô thị du lịch Sa Pa đến năm 2030.

    Tại hai bản quy hoạch này, những vấn đề bạn nêu và những tồn tại khác đối với Sa Pa sẽ được giải quyết. Trong đó, không gian đô thị sẽ được phân chia thành các khu:

    - Khu vực đô thị trung tâm;

    - Các khu đô thị mới, khu đô thị dịch vụ hỗn hợp;

    - Khu công viên đô thị;

    - Khu du lịch kết hợp bảo tồn cảnh quan nông nghiệp;

    - Khu du lịch nghỉ dưỡng kết hợp sinh thái;

    - Khu vực sản xuất nông nghiệp đặc hữu, nông nghiệp sinh thái cảnh quan;

    - Các khu vực bảo tồn: rừng quốc gia; thung lũng Mường Hoa; các khu ruộng bậc thang...

    Ngoài ra, trên các tuyến phố sẽ được trồng các cây đặc trưng theo từng cụm tuyến phố: cụm tuyến phố trồng thông, cụm tuyến phố trồng đào, cụm tuyến phố trồng sa mu... chủ yếu là những cây đặc trưng của Sa Pa, kết hợp với đó là trồng hoa bản địa và hoa ôn đới...

    Dự kiến các quy hoạch trên sẽ được thông qua trong năm 2015. Sau khi quy hoạch được duyệt, huyện sẽ xây dựng quy hoạch chi tiết, quy chế quản lý đô thị đối với từng phân khu chức năng và kiểm soát thực hiện theo quy hoạch, quy chế được duyệt.

  • Người hỏi: Trần Ngọc Cúc (cucngoc@yahoo.com); Nguyễn Thị Phương Thảo - Hòa Vang - Tp. Đà Nẵng

    Tôi rất thích vẻ đẹp hoang sơ của bản làng người Mông, sự thân thiện, mến khách của người dân Sa Pa song không khó để bắt gặp những người bán hàng đeo bám du khách mời mua những món đồ lưu niệm, thậm chí xin tiền khi du khách chụp ảnh. Tôi được biết tình trạng này đã diễn ra cũng khá lâu, không rõ chính quyền Sa pa đã có giải pháp gì để chấm dứt tình trạng này.

    Ông Vũ Hùng Dũng, Chủ tịch UBND huyện Sa Pa

    Cảm ơn bạn! Câu hỏi của bạn cũng là vấn đề được huyện Sa Pa đặc biệt quan tâm. Để giải quyết vấn đề này, huyện đã và đang thực hiện ra một số giải pháp:

    1. Tuyên truyền, vận động nhân dân tập trung lao động sản xuất tại địa phương, hạn chế bán hàng rong.

    2. Phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế để nâng cao thu nhập cho người dân.

    3. Khuyến khích phát triển tiểu thu công nghiệp để người dân tạo ra các sản phẩm cung cấp cho khách du lịch.

    4. Quy hoạch, xây dựng các chợ bán nông sản, chợ bán hàng thủ công mỹ nghệ, xây dựng các điểm bán hàng trên các tuyến du lịch để người dân có địa điểm tiêu thụ các sản phẩm do mình sản xuất ra, hạn chế việc bán hàng rong.

    5. Cùng với các doanh nghiệp trên địa bàn dạy nghề, tạo việc làm cho người lao động địa phương, đặc biệt là các việc liên quan đến du lịch, dịch vụ...

    6. Đề xuất với tỉnh, Trung ương ban hành chính sách chia sẻ lợi ích cộng đồng từ hoạt động du lịch.

    Tuy nhiên, để giải quyết triệt để vấn đề này ngoài những giải pháp mà chúng tôi vừa nêu cũng cần phải có một khoảng thời gian nhất định vì Sa Pa với đặc thù là địa phương có nhiều dân tộc anh em cùng chung sống, một bộ phận người dân có trình độ nhận thức còn hạn chế.

  • Người hỏi: Nguyễn Thế Anh - quận 3 - Tp Đà Nẵng

    Tôi là khách du lịch vừa mới có dịp đến với Sa pa. Tôi thấy ở khu vực phố Cầu Mây, thường xảy ra tắc đường. Đường này có những đoạn một bên là hủm sâu rất nguy hiểm. Xin ông cho biết tình trạng này có thường xuyên xảy ra không, nếu thường xuyên chính quyền địa phương có giải pháp gì để đảm bảo an toàn cho du khách và người dân nơi đây?


    Ông Vũ Hùng Dũng, Chủ tịch UBND huyện Sa Pa

    Trong những thời điểm khách du lịch đến với Sa Pa với số lượng lớn, hiện tượng ùn tắc giao thông có xảy ra, đúng theo như phản ánh của bạn. Về giải pháp trước mắt UBND huyện tăng cường công tác tuyên truyền, chỉ đạo các lực lượng chức năng kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm về an toàn giao thông. Và để giải quyết tận gốc vấn đề này, huyện đề ra một số giải pháp sau:

    1. Xây dựng 3 tuyến đường tránh đô thị Sa Pa.

    2. Quy hoạch, xây dựng khoảng 20 bến xe và bãi đỗ xe với tổng quy mô khoảng trên 40 ha.

    3. Sau khi hoàn thành hệ thống bến xe và bãi đỗ xe sẽ thực hiện việc vận chuyển khách du lịch trong đô thị Sa Pa bằng xe điện, xe buýt; các phương tiện giao thông khác sẽ dừng ở các bến xe, bãi đỗ xe ven đô thị, chuyển tải khách du lịch lên xe buýt, xe điện.

    4. Hình thành các tuyến phố đi bộ trong đô thị; chủ yếu là các tuyến phố trong khu vực phố cổ (trong đó có phố Cầu Mây) và xung quanh hồ Xuân Viên.

  • Người hỏi: Trần Hoài Hương - Lò Đúc - Hà Nội

    Xin ông cho biết hiện nay có bao nhiêu hộ gia đình kinh doanh lưu trú tại gia, tập trung ở các khu vực nào của huyện? hoạt động du lịch cộng đồng tại Sa Pa có được hưởng chính sách ưu đãi, hỗ trợ hay khuyến khích gì từ phía chính quyền hay không?


    Ông Vũ Hùng Dũng, Chủ tịch UBND huyện Sa Pa

    Hiện nay trên địa bàn huyện Sa Pa có 110 hộ đang kinh doanh dịch vụ nhà nghỉ lưu trú tại gia (home stay) tại các bản: Lao Chải; Tả Van; Bản Hồ; Tả Phìn; Thanh Phú và Nậm Cang...

    Hàng năm, UBND huyện phối hợp với Sở VHTT&DL tỉnh Lào Cai, Hiệp hội du lịch và các tổ chức nước ngoài như: SNV (Hà Lan); Trường Đại học Capilano (Canada); Viện Đại học Mở Hà Nội... mở các lớp tập huấn nâng cao năng lực phục vụ cho bà con dân bản như các lớp: Học nấu ăn, cách phục vụ du khách, tiếng Anh giao tiếp...

    Trong thời gian tới huyện sẽ nghiên cứu, đề xuất với tỉnh, Trung ương ban hành chính sách chia sẻ lợi ích cộng đồng từ hoạt động du lịch để hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng.

  • Người hỏi: Công Thành - Hà Nội; Nguyễn Thế Đan (nguyenthedan2000@gmail.com)

    Kính gửi ông chủ tịch huyện Sa pa, xin ông cho biết hiện Sa pa có bao nhiêu phòng nghỉ mà cứ đến dịp cao điểm (nghỉ lễ, nghỉ tết) thì lại rất khó để đặt được phòng nghỉ, nếu đặt được thì phải trả giá rất cao có khi cao đến gấp đôi, gấp 3. Không biết trong thời gian tới tình trạng này có được cải thiện hay không?


    Ông Vũ Hùng Dũng, Chủ tịch UBND huyện Sa Pa

    Về câu hỏi của ông, xin trả lời như sau: Theo số liệu thống kê đến tháng 10 năm 2015, trên địa bàn huyện có 185 cơ sở lưu trú khách du lịch, với tổng số 3.119 phòng nghỉ. Vào các dịp cao điểm (nghỉ lễ, nghỉ tết) khách du lịch đến với Sa Pa rất đông, số lượng quá tải dẫn đến tình trạng các cơ sở lưu trú không còn phòng nghỉ để đáp ứng nhu cầu của khách. UBND huyện Sa Pa đã chỉ đạo các ngành chuyên môn tổ chức hướng dẫn và yêu cầu các cơ sở lưu trú phải đăng ký giá và niêm yết giá phòng để không xảy ra trường hợp đẩy giá phòng trong các dịp cao điểm, đồng thời kiên quyết xử lý các cơ sở lưu trú vi phạm.

    - Hiện nay, đang có nhiều doanh nghiệp đầu tư các Dự án kinh doanh du lịch, dịch vụ tại Sa Pa với những cơ sở với quy mô lớn, hiện đại, đáp ứng kịp thời sự phát triển của du lịch trong tương lai. Khi các dự án này đi vào hoạt động sẽ giải quyết được vấn đề thiếu phòng nghỉ trong các dịp cao điểm, đồng thời chất lượng phục vụ khách du lịch cũng được nâng lên.

  • Người hỏi: Nguyễn Đông

    Trên hầu hết các tuyến đường trung tâm thị trấn tình không khó bắt gặp tình trạng xe du lịch đỗ lấn cả ½ lòng đường, nhất là con đường dẫn đến khu du lịch Cát Cát xe ôtô, xe máy để dọc cả hai bên đường khiến con đường đã nhỏ, dốc còn nhỏ hơn và xe cộ, người đi bộ thì chen chúc. Tôi đề nghị huyện chỉ đạo xử lý để đảm bảo vấn đề giao thông.


    Ông Vũ Hùng Dũng, Chủ tịch UBND huyện Sa Pa

    Trong thời gian vừa qua lực lượng Cảnh sát Giao thông và lực lượng trật thự đô thị đã tăng cường tuần tra kiểm soát việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn huyện Sa Pa. Đặc biệt là khu nội thị và các tuyến đường trên các tuor du lịch đến các điếm du lịch. Tuy nhiên trong một số thời điểm việc xử lý này cũng chưa được kịp thơi, đặc biệt trên các tuyến đường đến các điểm du lịch mà đường giao thông còn nhỏ dẫn đến các phương tiện giao thông lưu thông còn khó khăn. Về phản ánh của bạn, huyện Sa pa xin tiếp thu và chỉ đạo Công an huyện, Phòng Quản lý đô thị và UBND thị trấn cương quyết xử lý các trường hợp vi phạm về an toàn giao thông trên địa bàn để đảm bảo cho du khách được lưu thông một cách dễ dàng.

  • Người hỏi: Phạm Văn Hải - thành phố Hồ Chí Minh

    Được biết Sa pa là địa phương có nhiều cây dược liệu quý. Tôi định sẽ mua một số loại cây dược liệu như giảo cổ lam, nụ tam thất… về dùng và làm quà sau chuyến nghỉ mát. Tuy nhiên khi đến chợ tôi được khuyến cáo là nên cẩn thận nếu không sẽ mua phải hàng của Trung Quốc. Xin hỏi ông tình trạng trên có đúng không? Những du khách như chúng tôi tới đâu thì mua được những sản phẩm trên của địa phương?


    Ông Vũ Hùng Dũng, Chủ tịch UBND huyện Sa Pa

    Thư quý độc giả, du lịch Sa Pa từ lâu đã được du khách trong nước và quốc tế biết đến. Ngoài sự nổi tiếng về Du lịch, bản sắc văn hóa của các đồng bào dân tộc vùng cao, khí hậu… thì Sa Pa còn được biết đến là một nơi có nhiều loại dược liệu quý như quý khách đã nêu trên.

    Hiện nay người dân của Sa Pa vẫn tiếp tục trồng và bán các sản phẩm mình thu hoạch được. Các loại dược liệu này hiện nay được trồng nhiều tại thị trấn Sa Pa, các xã Sa Pả, tả Phìn… và thường được các tiểu thương mua về bán lại cho các chủ cơ sở kinh doanh trên địa bàn thị trấn chế biến để bán lại cho khách du lịch. Việc kinh doanh của các cơ sở luôn được các cơ quan trức năng thường xuyên kiểm tra, kiểm soát.

    Tuy nhiên, cũng không tránh khỏi việc một số cơ sở kinh doanh vì lợi ích trước mắt mà nhập các sản phẩm không có ngồn gốc về để bán trà trộn tại các sạp hàng. Do vậy khi đi mua hàng, quý khách nên mua tại các cửa hàng có địa chỉ và treo tên biển hiệu cửa hàng kinh doanh thuốc nam, bắc (Do cơ quan chức năng cấp giấy phép) để mua được đúng dược liệu quý khách cần.Trong thời gian tới huyện sẽ hỗ trợ để đăng ký thương hiệu, in ấn nhãn mác để quý khách khi đến với Sa Pa lựa chọn và mua các sản phẩm không bị nhầm lẫn với các sản phẩm trà trộn do nơi khác mang về.

  • Người hỏi: Nguyễn Thu Hằng

    Hiện nay trên địa bàn huyện có một lượng lớn các nhà nghỉ mặc dù không có đăng ký kinh doanh, không có biển hiệu nhưng vẫn ngang nhiên đón khách công khai mà không có sự kiểm soát nào. Những nhà nghỉ "chui" này hiển nhiên không phải đóng thuế, không chịu trách nhiệm về nhiều mặt mà các nhà nghỉ, khách sạn khách phải thực hiện rất nghiêm chỉnh (an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy và đặc biệt là khai báo lưu trú). Tình trạng này diễn ra đã lâu mà không hề có sự quản lý, kiểm tra của các đơn vị chức năng, làm ảnh hưởng đến các đơn vị có đăng ký kinh doanh đầy đủ, gây tâm lý mất công bằng trong khi người phải nộp đầy đủ các loại thuê, phí và lệ phí vào ngân sách nhà nước, người lại trốn tránh nghĩa vụ, gây thấy thoát tiền thuế. Không những vậy khi có vấn đề gì xảy ra với khách du lịch các cơ quan nhà nước không thể kiểm soát được vì không hề có thông tin về khách nghỉ tại các nhà nghỉ "chui" nói trên. Vì vậy đề nghị chủ tịch cho biết hướng giải pháp xử lý và quản lý các đơn vị vi phạm trên như thế nào. Chân thành cám ơn


    Ông Vũ Hùng Dũng, Chủ tịch UBND huyện Sa Pa

    Cảm ơn ý kiến của bạn!

    Như chúng tôi đã trả lời ở một số câu hỏi trước, sau khi đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai được khai thông và đi vào hoạt động, lượng khách đến Sa Pa tăng đột biến. Trong khi đó, trên địa bàn huyện hiện nay chỉ có 185 cơ sở lưu trú với tổng số 3.119 phòng và 110 cơ sở lưu trú tại gia nên chưa thể đáp ứng nhu cầu lưu trú của du khách tại một số thời điểm như dịp lễ, tết. Điều này đã tạo áp lực lên cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật, dẫn đến tình trạng quá tải đối với các nhà nghỉ, khách sạn.

    Để đáp ứng nhu cầu lưu trú của du khách, một số hộ gia đình đã mua sắm trang thiết bị, sửa sang nhà cửa, nâng cấp phòng nghỉ để đón khách vào những ngày cao điểm. Mặc dù chất lượng cơ sở vật chất và trang thiết bị không bằng được các khách sạn đã được xếp hạng theo tiêu chuẩn nhưng cơ bản đã giải quyết được nhu cầu cấp bách về lưu trú của du khách khi đến với Sa Pa.

    Tuy nhiên, để nâng cao công tác quản lý cũng như chất lượng của các cơ sở lưu trú nói trên. UBND huyện Sa Pa đã chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan thực hiện một số giải pháp chủ yếu như:

    - Tăng cường công tác tuyên truyền: Thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng; tổ dân phố tuyên truyền tới người dân có nhu cầu kinh doanh lưu trú phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật đối với loại hình kinh doanh có điều kiện, thực ra nếu không tuyên truyền nhiều hộ gia đình cũng không nắm rõ quy định về thủ tục đăng ký nhà nghỉ. Cho nên thông qua tuyên truyền người dân cũng sẽ nắm rõ và thực hiện đúng với quy định của pháp luật.

    - Tổ chức 02 hội nghị hướng dẫn các cơ sở lưu trú làm các hồ sơ, thủ tục thẩm định cơ sở lưu trú, phương thức đăng ký, niêm yết giá tại cơ sở kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật;

    - Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh lưu trú, trong đó tập trung vào những cơ sở là hộ kinh doanh cá thể mới đăng ký hoạt động kinh doanh, các nhà dân có phòng cho khách thuê và xử lý kịp thời, nghiêm minh các trường hợp vi phạm. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ xiết chặt hơn việc xử lý vi phạm./.

  • Người hỏi: Thu Hằng

    Hiện nay tôi thấy bên Trung tâm thông tin du lịch huyện Sa Pa có in và phát miễn phí tờ rơi thông tin du lịch dành cho khách, đây là việc làm cần thiết dành cho khách khi đến Sa Pa có đc cái nhìn tổng quan về các địa danh cũng như phong tục tập quán của các đồng bào dân tộc. Nhưng bất cập là lượng khách đến Sa Pa quá nửa là khách nước ngoài, nhưng tờ rơi lại cung cấp các thông tin hoàn toàn bằng tiếng Việt (ngoại trừ 5 hành vi ứng xử cho du khách là đc viết thêm bằng tiếng Anh). Theo tôi việc này tuy nhỏ nhưng cần đc lưu ý để sửa đổi nhằm tạo ấn tượng tốt với du khách quốc tế khi đến với Sa Pa.


    Ông Vũ Hùng Dũng, Chủ tịch UBND huyện Sa Pa

    Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch đến với Sa Pa ngày càng tăng về số lượng, UBND huyện Sa Pa đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá bằng nhiều hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng; đặc biệt quảng bá bằng tờ rơi, tập gấp.

    Qua ý kiến của chị Thu Hằng, UBND huyện xin tiếp thu và trong thời gian tới huyện sẽ xem xét, điều chỉnh việc in tờ rơi quảng bá du lịch cho phù hợp với nhu cầu của du khách.


  • Người hỏi: Nguyễn Thành Nam – Lào Cai

    Thưa ông tôi thấy các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch và các sản phẩm du lịch của Sa Pa chủ yếu là khai thác tận thu nguồn tài nguyên du lịch sẵn có, các sản phẩm du lịch chưa được quan tâm để du khách có sự lựa chọn nhiều. Xin hỏi lãnh đạo huyện Sa Pa sắp tới có giải pháp gì cho vấn đề này chưa?


    Ông Vũ Hùng Dũng, Chủ tịch UBND huyện Sa Pa

    Trong thời gian tới dự báo lượng khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Sa Pa sẽ ngày càng đông, tuy nhiên các sản phẩm du lịch của Sa Pa vẫn còn hạn chế. Hiện nay, huyện Sa Pa đang cùng với các ngành của tỉnh xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sa Pa đến năm 2030, trong đó định hướng phát triển các sản phẩm du lịch:

    - Hàng lưu niệm;

    - Các hoạt động giải trí về đêm;

    - Các hoạt động vui chơi giải trí;

    - Nghỉ dưỡng;

    - Thể thao dù lượn;

    - Leo núi;

    - Thể thao mạo hiểm;

    - Các khu nghỉ dưỡng điều dưỡng chữa bệnh bằng công nghệ và sản phẩm truyền thống dân tộc;

    - Du lịch tâm linh;

    - Du lịch văn hóa, cộng đồng;

    - Du lịch sinh thái nông lâm nghiệp;

    - Tham quan di tích lịch sử trên địa bàn huyên;

    - Du lịch sự kiện;

    - Các lễ hội truyền thống văn hóa dân tộc thiểu số;

    - Các lễ hội theo mùa vụ và hiện tượng thiên nhiên;

    - Nghệ thuật đương đại và nghệ thuật đường phố;

    - Lễ hội ánh sáng trong sương mù;

    - Du lịch Homestay với tiêu chuẩn riêng có của Sa Pa để tạo ra trải nghiệm độc nhất vô nhị cho khách du lịch;

    - Du lịch honeymoon với thương hiệu riêng của Sa Pa...

    Tuy nhiên các sản phẩm dịch vụ này, hiện tại vẫn chưa thể có đầy đủ được, chúng tôi sẽ cố gắng đẩy nhanh tiến độ để làm sao sớm có các sản phẩm này để phục vụ du khách

  • Người hỏi: Ban biên tập

    Thưa ông, Sa Pa là địa danh có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Tuy nhiên, có thể thấy rằng để phát triển du lịch một cách bền vững thì Sa Pa vẫn đang gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn vậy theo ông huyện đã và đang có những giải pháp gì để khắc phục và thực hiện mục tiêu đặt ra?


    Ông Vũ Hùng Dũng, Chủ tịch UBND huyện Sa Pa

    Nhằm phát triển Du lịch Sa Pa bền vững, huyện Sa Pa đã và đang thực hiện một số giải pháp sau:

    1. Quy hoạch: như chúng tôi đã nêu huyện Sa Pa đang cùng với các ngành của tỉnh xây dựng các quy hoạch: Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sa Pa đến năm 2030; Điều chỉnh quy hoạch chung đô thị du lịch Sa Pa đến năm 2030.

    2.  Phát triển sản phẩm du lịch: Ưu tiên phát triển mạnh các sản phẩm du lịch theo ưu thế nổi trội về tài nguyên tự nhiên và văn hóa; liên kết tạo sản phẩm du lịch vùng, liên kết theo loại hình chuyên đề... như các câu hỏi trước chúng tôi đã giới thiệu với độc giả.

    3. Phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch: Đảm bảo mạng lưới đường bộ, tiếp cận thuận lợi đến mọi địa bàn có tiềm năng du lịch; nâng cấp, cải tạo bến xe đảm bảo yêu cầu chất lượng phục vụ khách du lịch; phát triển hệ thống dịch vụ công cộng, tiện nghi, hiện đại; đảo bảm hệ thống viễn thông, thông tin liên lạc đạt tiêu chuẩn và tới các khu, điểm du lịch; đầu tư, nâng cấp phát triển hệ thống hạ tầng xã hội về văn hóa, y tế, giáo dục…; phát triển hệ thống khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng, cơ sở dịch vụ thông tin, tư vấn du lịch, hướng dẫn, phương tiện và cơ sở dịch vụ phục vụ vận chuyển khách du lịch, cơ sở phục vụ tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, thể thao, hội nghị và các mục đích khác…

    4. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực: Tăng cường đào tạo quản lý về du lịch, kỹ năng nghề du lịch cho đội ngũ nhân viên; xây dựng, quy hoạch phát triển nhân lực du lịch phù hợp với nhu cầu phát triển du lịch, nâng cao tỷ lệ đào tạo, tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

    5. Phát triển thị trường, xúc tiến quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch: Chuyên nghiệp hóa, tập trung quy mô lớn cho hoạt động xúc tiến, quảng bá trên cơ sở kết quả các nghiên cứu thị trường; xây dựng phát triển thương hiệu du lịch Sa Pa trên cơ sở phát triển các thương hiệu du lịch điểm đến, thương hiệu sản phẩm du lịch, doanh nghiệp du lịch, các địa danh nổi tiếng…

    6. Đầu tư và chính sách phát triển du lịch: Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng du lịch và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, thương hiệu du lịch, nguồn nhân lực, các khu du lịch nghỉ dưỡng; tôn tạo, khai thác tài nguyên du lịch, đa dạng hóa và tạo sản phẩm du lịch đặc thù; bảo tồn, nâng cấp các di tích, di sản…

    7. Hợp tác: Mở rộng và tăng cường quan hệ hợp tác với các vùng, các địa phương có bước phát triển mạnh về du lịch ở trong nước cũng như quốc tế. Chủ động, tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả các thỏa thuận hợp tác đã ký kết; chủ động xây dựng và đề xuất các dự án, tài trợ từ  các tổ chức, cá nhân trong nước, các nguồn vốn hợp tác quốc tế, từ các tổ chức quốc tế.

    8. Quản lý nhà nước về du lịch: Tăng cường năng lực cơ quan quản lý nhà nước về du lịch; hiệp hội du lịch địa phương; tăng cường xây dựng hệ thống tiêu chuẩn trong các lĩnh vực hoạt động du lịch. Đặc biệt là cải thiện năng lực cạnh tranh cấp huyện (DCI).

  • Người hỏi: Nguyễn Thế Đan địa chỉ email nguyenthedan2000@gmail.com

    Kính gửi lãnh đạo huyện Sa Pa, theo tôi được biết hiện nay lượng khách đến với Sa Pa càng ngày càng đông, nhưng chất lượng dịch vụ, nhà nghỉ khách sạn không cải thiện. Giá cả dịp lễ, tết cao cấp 2-3 lần. Tình hình cháy phòng là chuyện thường xảy ra. Các tour leo Fansipan hay bán khách. Nhiều hướng dẫn viên tự phát, thu thập khách leo Fansipan, sau đó khi lên Sa Pa thì bán cho một công ty khác với mức dịch vụ không tương xứng mức phí đã thu… Vậy xin hỏi ông làm thế nào để tình trạng quá tải không xảy ra và chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng lên?


    Ông Vũ Hùng Dũng, Chủ tịch UBND huyện Sa Pa

    Về các tour leo Fansipan: Hiện nay Sa Pa có 24 đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế và nội địa (trong đó có 06 chi nhánh và văn phòng đại điện). Để tổ chức các tour leo núi Fansipan khách du lịch cần phải đăng ký tour tại các đơn vị lữ hành để làm thủ tục pháp lý đúng theo quy định khi đưa khách leo Fansipan. Bên cạnh đó Sa Pa đang tổ chức quản lý 03 loại thẻ hướng dẫn viên: thẻ hướng dẫn viên quốc tế, thẻ hướng dẫn viên nội địa và thẻ thuyết minh viên.

    Theo bạn phản ánh: hiện nay có nhiều hướng dẫn viên tự phát, thu thập khách leo Fansipan sau đó khi lên Sa Pa thì bán cho một công ty khác với mức dịch vụ không tương xứng phí đã thu. Việc này, UBND huyện Sa Pa sẽ vào cuộc điều tra và nếu phát hiện vi phạm sẽ tiến hành xử lý theo đúng quy định. Hiện nay, UBND huyện Sa Pa đang tiếp tục chỉ đạo Đội Liên ngành quản lý khách du lịch tăng cường các biện pháp kiểm tra quản lý chặt chẽ và xử lý nghiêm minh các tổ chức cá nhân vi phạm hành chính về kinh doanh dịch vụ du lịch, đặc biệt là các trường hợp tổ chức, các nhân hoạt động kinh doanh lữ hành trái phép trên địa bàn.

    Khi khách du lịch đến với Sa Pa, quý khách nên tìm hiểu nắm bắt các thông tin cần thiết tại các quầy thông tin miễn phí, trung tâm thông tin du lịch, điện thoại đường dây nóng được đặt tại các trung tâm chính trên địa bàn thị trấn và đăng ký tuor tại các đơn vị lữ hành.

    Vấn đề quá tải phòng nghỉ: Hiện nay đang có rất nhiều doanh nghiệp đầu tư các cơ sở du lịch tương đối lớn trên địa bàn và sẽ sớm được đưa vào khai thác trong năm 2016. Khi các dự án này được đưa vào khai thác thì vấn đề quá tải nhà nghỉ sẽ được giải quyết. Đồng thời chất lượng phục vụ khách du lịch cũng sẽ được nâng lên.

  • Người hỏi: Trần Kiên (kientran686@yahoo.com)

    Thưa ông, nhiều du khách cho rằng những nét văn hóa của người vùng cao giờ đã phai mờ, rất khó để du khách có cơ hội trải nghiệm. Không còn thấy những cặp trai gái dập dìu, không còn thấy những anh trai bản nhảy múa trong điệu khèn, hay các chị em gái ríu rít váy hoa tung xòe nữa. Thay vào đó, giờ chỉ là một đám trẻ con, tầm sơ sơ từ 10 đến 15 tuổi. Nó cũng nhảy, cũng cười, nhưng sặc mùi kinh tế. Vậy xin hỏi ông rằng làm thế nào để Sa Pa phát triển du lịch mà không mất đi bản sắc văn hóa dân tộc.

    Nguyễn Thế Đan (nguyenthedan2000@gmail.com) Trong thời gian qua, chương trình chuyển động 24h có làm một phóng sự về nét văn hóa đang ngày càng phai mờ cũng như những phản ánh của khách du lịch khi đến Sa Pa về tình trạng người dân đang ngày càng mất bản sắc dân tộc, vậy UBND huyện có phương hướng để khôi phục và duy trì bản sắc người dân bản địa, đặc biệt là dân tộc thiểu số như thế nào?

    Ông Vũ Hùng Dũng, Chủ tịch UBND huyện Sa Pa

    Cảm ơn quý độc giả đã gửi câu hỏi hết sức thú vị đối với huyện Sa Pa. Tôi cho rằng đây là vấn đề đang được đặt ra không chỉ đối với huyện Sa Pa mà còn đối với cả các địa phương có điều kiện tương tự như đối với Sa Pa.

    Đối với huyện Sa Pa, là huyện có 6 dân tộc chủ yếu: Kinh, Mông, Dao, Tày, Giáy, Xa Phó cùng sinh sống chan hoà, đan xen, đoàn kết, dải rác trên địa bàn 18 xã, thị trấn. Những phong tục tập quán của từng dân tộc đã làm làm cho đời sống văn hoá trên địa bàn trở nên phong phú hơn, đa dạng hơn. Tuy nhiên trong quá trình sinh sống và phát triển, đặc biệt là sự tác động của kinh tế thị trường, các dân tộc đã có nguy cơ mai một về văn hóa..

    Huyện Sa Pa luôn xác định văn hóa là “linh hồn” của du lịch. Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá tiêu biểu của dân tộc cũng như bảo tồn và phát triển văn hoá các dân tộc trên địa bàn luôn là được huyện Sa Pa đặc biệt quan tâm, theo đó rất nhiều phong tục tập quán được phục dựng, bảo tồn, lưu giữ và phát triển như: Chợ tình Sa pa, các lễ hội xuống đồng, lễ cúng rừng...  

    Trong giai đoạn 2015 - 2020, huyện đã đưa ra một số giải pháp:

    - Xây dựng các dự án bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa.

    - Xây dựng các đội văn hóa, thể thao các xã, thôn bản. Thông qua các hoạt động này các thôn bản sẽ giữ gìn, bảo tồn phát huy được giá trị văn hóa của dân tộc mình.

    - Sưu tầm và trưng bày các sản phẩm văn hóa tại các trung tâm, điểm thông tin du lịch, nhà văn hóa xã, nhà văn hóa thôn bản. Thông qua việc này, ngoài việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc cũng giới thiệu cho du khách trong và ngoài nước biết đến văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc của huyện Sa Pa.

    - Khuyến khích phát triển các nghề truyền thống. Hiện nay trên địa bàn huyện Sa Pa có rất nhiều nghề truyền thống tuy nhiên cần có sự hỗ trợ của các cấp các ngành.

    - Đưa văn hóa vào hoạt động ngoại khóa của các trường học. Đây là giải pháp hết sức quan trọng để trẻ em được phụ huynh, già làng, trưởng bản truyền thụ cho các giá trị văn hóa đặc trưng của các dân tộc để khi lớn lên các em sẽ tiếp tục gìn giữ và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc của mình.

    - Thường xuyên tổ chức các lễ hội truyền thống của các dân tộc để bảo tồn, đồng thời phục vụ khách du lịch...

  • Người hỏi: ngoclam.trithucxanh@gmail.com

    Hiện, trên địa bàn huyện có 185 cơ sở với tổng số 2.775 phòng, 4.990 giường, chưa kể phòng nghỉ của người dân địa phương (homestay) tại các điểm, tuyến du lịch bản làng. Được biết trên địa huyện đã và đang tiếp tục triển khai nhiều dự án xây dựng khách sạn lớn. Vậy sau khi các khách sạn này được đưa vào khai thác liệu có xảy ra tình trạng “cung lớn hơn cầu” và tình trạng “cá lớn nuốt cá bé” giữa các khách sạn không?


    Ông Vũ Hùng Dũng, Chủ tịch UBND huyện Sa Pa

    Xin thông tin với bạn, tính đến tháng 10 năm 2015, trên địa bàn huyện có 185 cơ sở lưu trú khách du lịch, với tổng số 3.119 phòng nghỉ.

    Đối tượng đến với homestay và khách sạn lớn là khác nhau, vì vậy bạn yên tâm sẽ không xảy ra tình trạng “cá lớn nuốt cá bé”.

    Thứ hai về vấn đề "cung-cầu"

    Băn khoăn của bạn về việc liệu có xảy ra tình trạng “cung lớn hơn cầu”, có thể khẳng định là: Việc đầu tư xây dựng khách sạn ở Sa Pa đã được tỉnh, huyện, các chuyên gia và các doanh nghiệp tính toán kỹ lưỡng trên cơ sở dự báo các yếu tố tác động và sự phát triển của du lịch trong nước và quốc tế trong tương lai, cho nên sẽ không xảy ra tình trạng “cung lớn hơn cầu” như độc giải đã quan tâm lo lắng.

  • Người hỏi: Nguyen Van Duc

    Cá nhân tôi có một số ý kiến như sau: Ô nhiễm môi trường trường đã ảnh hưởng đến người dân và khách du lịch Thời gian gần đây trên địa bàn thị trấn Sapa có nhiều công trình xây dựng: cải tạo vỉa hè trên một số tuyến phố, cải tạo lòng hồ Sapa, Khách sạn Bình Minh 2, và một số công trình khách sạn của nhà dân trên các tuyến phố Thạch Sơn, Ngũ chỉ Sơn, Mường Hoa, Điện Biên đã làm cho bụi tăng đột biến trong không khí do các xe trở vật liệu, rác thải ra vào công trường không tuân theo đúng quy trình về an toàn vệ sinh Lao động. Ngoài ra Cty môi trường Sapa chưa làm hết trách nhiệm khi để các nhân viên vệ sinh môi trường không thường xuyên quét dọn lòng đường và vỉa hè. Chính các yếu tố này đã ảnh hưởng trực tiếp cảnh quang của du lịch Sapa. Tôi đề nghị các cơ quan ưu tiên giải quyết các vấn đề tôi nêu trên.


    Ông Vũ Hùng Dũng, Chủ tịch UBND huyện Sa Pa

    Xin cảm ơn đọc giả Nguyễn Văn Đức - Sa Pa

    Vấn đề độc giả phản ánh, UBND huyện xin tiếp thu chỉ đạo cơ quan chức năng làm tốt nhiệm vụ được giao. Hiện huyện đang nỗ lực giải quyết vấn đề này. Toàn bộ hệ thống đường nội thị thị trấn Sa Pa sẽ được chỉnh trang, nâng cấp thông qua 2 dự án:

    - Một dự án do Ban quản lý dự án ODA tỉnh làm chủ đầu tư và đang tiến hành thi công;

    - Dự án thứ hai do huyện làm chủ đầu tư, đã được tỉnh đồng ý chủ trương, hiện nay đang hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư, dự kiến dự án sẽ khởi công trong năm 2016.

    Khi hai dự án hoàn thành thì cơ bản những bức xúc của nội thị Sa Pa sẽ được giải quyết./.

  • Người hỏi: Ban Biên tập

    Trong giai đoạn 2016 - 2020, chủ trương của tỉnh là xây dựng Sa Pa trở thành Khu du lịch quốc gia, Xin hỏi định hướng của huyện trong việc xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch để tạo thương hiệu riêng của mình?


    Ông Vũ Hùng Dũng, Chủ tịch UBND huyện Sa Pa

    Hiện nay, huyện Sa Pa đang cùng với các ngành của tỉnh xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sa Pa đến năm 2030, trong đó định hướng phát triển các sản phẩm du lịch:

    - Hàng lưu niệm;

    - Các hoạt động giải trí về đêm;

    - Các hoạt động vui chơi giải trí;

    - Nghỉ dưỡng;

    - Thể thao dù lượn;

    - Leo núi;

    - Thể thao mạo hiểm;

    - Các khu nghỉ dưỡng điều dưỡng chữa bệnh bằng công nghệ và sản phẩm truyền thống dân tộc;

    - Du lịch tâm linh;

    - Du lịch văn hóa, cộng đồng;

    - Du lịch sinh thái nông lâm nghiệp;

    - Tham quan di tích lịch sử;

    - Du lịch sự kiện;

    - Các lễ hội truyền thống văn hóa dân tộc thiểu số;

    - Các lễ hội theo mùa vụ và hiện tượng thiên nhiên;

    - Nghệ thuật đương đại và nghệ thuật đường phố;

    - Lễ hội ánh sáng trong sương mù;

    - Du lịch Homestay với tiêu chuẩn riêng có của Sa Pa để tạo ra trải nghiệm độc nhất vô nhị cho khách du lịch;

    - Du lịch honeymoon với thương hiệu riêng của Sa Pa...

  • Người hỏi: Người hỏi: Nguyễn Thùy An (thuyannguyen@gmail.com)

    Thưa Chủ tịch huyện Sa Pa, bàn tới giá cả ở Sa Pa, nhiều du khách phàn nàn vì phần lớn các mặt hàng, sản phẩm đều quá đắt đỏ và thường xuyên bị nâng giá quá mức. Một số chủ hàng còn buông lời mạt sát khi khách không mua. Vậy UBND huyện Sa Pa đã có giải pháp gì để du khách không bị “chặt chém” quá mức khi mua quà lưu niệm ở Sa Pa và giả pháp nâng cao nhận thức cũng như cách ứng xử của người dân địa phương đối với du khách?


    Ông Vũ Hùng Dũng, Chủ tịch UBND huyện Sa Pa

    Vấn đề bạn nêu cũng là vấn đề huyện rất quan tâm giải quyết, thực tế là giai đoạn 2011-2015, Sa pa đã xây dựng thực hiện Đề án “Xây dựng nếp sống văn minh trong hoạt động thương mại, dịch vụ” (Đề án số 06), và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên đây là vấn đề không thế giải quyết một sớm một chiều, để tiếp tục giải quyết vấn đề này, huyện đã đưa ra một số giải pháp:

    - Thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra các cơ sở kinh doanh việc đăng ký, kê khai và niêm yết giá.

    - Chỉ đạo Đội Liên ngành xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về đăng ký, kê khai và niêm yết giá hoặc bán sai giá niêm yết.

    - Công khai số điện thoại đường dây nóng để khách du lịch phản ánh kịp thời với cơ quan chức năng những hành vi làm phiền khách du lịch. Thông qua phản ánh của du khách, huyện sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng  xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm về quản lý giá.

    - Củng cố và phát triển các tổ chức xã hội nghề nghiệp liên quan tới du lịch như: Hiệp hội khách sạn, Hiệp hội nhà hàng, Hiệp hội vận tải, Hiệp hội xe ôm, Hiệp hội đông y... Thông qua các tổ chức này, tuyên truyền, vận động, giám sát các thành viên thực hiện đúng các quy định của pháp luật và nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch.

  • Người hỏi: Ban Biên tập

    Được biết giai đoạn 2011-2015, Sa pa xây dựng và triển khai Đề án “Xây dựng nếp sống văn minh trong hoạt động thương mại, du lịch (Đề án số 06), xin ông  cho biết, trong thời gian tới, huyện sẽ có những giải pháp mang tính căn cơ gì để các kết quả cũng như cách làm của Đề án số 06 “Xây  dựng dựng nếp sống văn minh trong hoạt động thương mại, du lịch” sẽ tiếp tục được phát huy trong những năm tiếp theo?


    Ông Vũ Hùng Dũng, Chủ tịch UBND huyện Sa Pa

    Triển khai nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Sa Pa lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2015 - 2020, huyện Sa Pa đang xây dựng 5 chương trình, 18 đề án, trong đó có Đề án " Xây dựng đô thị, du lịch Sa Pa đặc sắc, thân thiện, văn minh, từng bước hiện đại" đây có thể coi là Đề án tiếp nối Đề án số 06 trong giai đoạn 2011 – 2015. Đề án được xây dựng gồm các dự án:

    - Xây dựng thị trấn Sa Pa đạt tiêu chuẩn đô thị loại III;

    - Đổi mới và tăng cường công tác quản lý đô thị;

    - Đổi mới và tăng cường công tác quản lý khách du lịch xây dựng các điểm, tua, tuyến du lịch kết nối với thị trấn Sa Pa;

    - Phát triển tiểu thủ công nghiệp nhằm cung ứng cho khách du lịch các sản phẩm, hàng hóa đặc trưng Sa Pa và khu vực miền núi phía Bắc;

    - Xây dựng Khu chợ đêm Sa Pa, chợ nông sản, các điểm bán hàng nông sản, tiểu thủ công nghiệp;

    - Đổi mới và tăng cường công tác quản lý các dịch vụ vui chơi giải trí, các hoạt động tâm linh;

    - Củng cố và phát triển các tổ chức xã hội nghề nghiệp liên quan tới du lịch.

    Nội dung các dự án của Đề án này sẽ kế thừa những kết quả đạt được của Đề án số 06 trong giai đoạn 2011 - 2015, đồng thời bổ sung thêm các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhằm xây dựng đô thị, du lịch Sa Pa "đặc sắc, thân thiện, văn minh, từng bước hiện đại".

  • Người hỏi: Nguyễn Thế Đan (nguyenthedan2000@gmail.com)

    Sa Pa ngày càng phát triển, xong cơ sở hạng tầng đường xá của Sa Pa lại ngày càng xuông cấp, đặc biệt là đoạn đường khu vực công viên, ngày mưa nhiều địa điểm ở Sa Pa có hiện tượng ngập, nước còn tràn vào nhà dân, vậy UBND huyện đã có hướng xử lý ntn về tình trạng này?

    Ông Vũ Hùng Dũng, Chủ tịch UBND huyện Sa Pa

    Vấn đề bạn Đan nêu đúng với thực trạng của huyện Sa Pa. Vấn đề này đang được huyện giải quyết. Toàn bộ hệ thống đường nội thị thị trấn Sa Pa sẽ được chỉnh trang, nâng cấp thông qua 2 dự án:

    - Một dự án do Ban quản lý dự án ODA tỉnh làm chủ đầu tư và đang tiến hành thi công;

    - Dự án thứ hai do huyện làm chủ đầu tư, đã được tỉnh đồng ý chủ trương, hiện nay đang hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư, dự kiến dự án sẽ khởi công trong năm 2016.

    Khi hai dự án hoàn thành thì cơ bản những bức xúc về hạ tầng của nội thị Sa Pa sẽ được giải quyết./.

  • Người hỏi: Nguyễn Thế Đan (nguyenthedan2000@gmail.com) (tiếp)

    Hiện nay tình trạng xây dựng quanh khu đô thị Sa Pa diễn ra rất nhiều, xong đi cùng với đó là bùn đất rớt ra đường là rất nhiều, ngày nắng thì bụi mù, ngày mưa thì bẩn thỉu, nhưng xây dựng bao nhiều lâu không thấy cơ quan chức nắng lên xử lý nghiêm các trường hợp này? vậy khi nào UBND huyện vào cuộc để cho người dân và du khách khi lên Sa pa có một bầu không khí trong lành, không bụi bẩn khi xây dựng?


    Ông Vũ Hùng Dũng, Chủ tịch UBND huyện Sa Pa
    Về câu hỏi này của đọc giả, chúng tôi đã trả lời tại câu hỏi của độc giả Nguyễn Văn Đức. Đề nghị đọc giả tham khảo.
  • Người hỏi: Nguyễn Thị Hương Giang - Nghệ An

    Tôi thấy ở những gian hàng bày bán đồ thổ cẩm lưu niệm ở Sa pa bên cạnh những sản phẩm truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số còn bày bán rất nhiều sản phẩm hàng không rõ xuất xứ (nghe nói là của Trung Quốc) và vấn đề “nói thách” rất phổ biến. Huyện Sa pa có giải pháp gì để hạn chế tình trạng này, bảo vệ du khách mua được đúng sản phẩm truyền thống của bà con dân tộc thiểu số và tình trạng “nói thách”?


    Ông Vũ Hùng Dũng, Chủ tịch UBND huyện Sa Pa

    Xin cảm ơn đọc giả Nguyễn Thị Hương Giang - Nghệ an về câu hỏi trên

    Hiện nay trên địa bàn huyện Sa Pa có 02 chợ trung tâm, 03 tuyến phố và 02 chợ cộng đồng dảnh riêng cho bà con người dân tộc thiểu số bày bán các sản phẩm thổ cẩm truyền thống. Do sự cạnh tranh về mặt hàng và một số người dân vì lợi ích trước mắt nên đã nhập những sản phẩm không rõ nguồn gốc để bày bán trên thị trường. 

    Nhận biết được vấn đề này UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và chức năng vào cuộc để kiểm tra, kiểm soát, xử lý các trường hợp vi phạm . (từ đầu năm đến nay phát hiện và xử phạt 41 cơ sở vi phạm về niêm yết giá hàng hoá, dịch vụ, kinh doanh hàng giả, tổng giá trị xử phạt là 204,187 triệu đồng, giá trị hàng tiêu hủy 100,203 triệu đồng)..  Trong thời gian tới Sa Pa sẽ xây dựng  thương hiệu, gắn nhãn mác, giá bán... cho các sản phẩm. Do vậy khi du khách đến với Sa pa sẽ dễ dàng tìm cho mình những sản phẩm, quà lư niệm theo ý muốn.

  1 2 
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1