Chương trình đối thoại trực tuyến giữa các tổ chức, cá nhân với Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về “Công tác bảo tồn phát huy giá trị truyền thống văn hóa trên địa bàn tỉnh Lào Cai”
Sáng 25/12, Cổng TTĐT tỉnh Lào Cai đã tổ chức chương trình Đối thoại trực tuyến giữa các tổ chức, cá nhân với ông Hà Văn Thắng - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về Công tác bảo tồn phát huy giá trị truyền thống văn hóa trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Chương trình tập chung vào giải đáp một số vấn đề như: Định hướng công tác bảo tồn phát huy giá trị truyền thống văn hóa của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong giai đoạn 2016 – 2020; Các giải pháp để bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống văn hóa trên địa bàn tỉnh Lào Cai trong thời gian tới;  

Công tác quản lý bảo tồn phát triển truyền thống văn hóa trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua; Công tác tổ chức các lễ hội truyền thông trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới; Giữ gìn nét đẹp văn hóa của Chợ phiên, bản sắc văn hóa dân tộc. Giải đáp những thắc mắc, những vấn đề dư luận quan tâm đến hoạt văn hóa trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua: sự đồng hóa về ngôn ngữ, trang phục của một số dân tộc thiểu số vùng biên và ven đô thị; sự mai một văn hóa truyền thống bản địa, công tác tổ chức lễ hội….
  • Người hỏi: Người dân địa phương Thôn Choản Thèn xã Y Tý

    Chợ phiên là nơi giữ những nét đẹp trong văn hóa địa phương nhưng hiện nay trên địa bàn xã Y Tý đang diễn ra tình trạng quản lý lỏng lẻo. Các bà, bác, mẹ của chúng tôi thì cả tuần đi bán một chút sản phẩm địa phương phải ngồi lề đường. Trong chợ thì toàn dân nơi khác đến ngồi (mưa không bị ướt). Khu vực trợ quán mọc lên giữa lối đi, bịt cả cổng chợ. Mỗi lần thấy người bà con chúng tôi ngồi trước cửa các quán đều bị đuổi như đuổi ma. Vậy xin ông cho biết quan điểm của ngành trong việc gìn giữ và phát triển chợ để trả lại cho người dân địa phương chúng tôi khu vực chợ dậm nét văn hóa địa phương như vốn có.

    Và độc giả: Đào Xuân Cảnh – Đống Đa – Hà Nội: Thưa ông, mỗi khi nhắc đến Lào Cai ai cũng nghĩ đây là vùng đất đa dạng và phong phú về văn hóa. Song theo tôi có lẽ đặc sắc nhất vẫn là những buổi chợ phiên. Tôi được biết Lào Cai có khoảng 14 buổi chợ phiên và diễn ra các hoạt động mua bán, giao lưu văn hóa (múa hát, chơi khèn, thổi sáo) và là nơi trai gái hò hẹn, tự tình (còn gọi là chợ tình). Tuy nhiên hiện nay mỗi dịp đến với các chợ phiên tôi thấy đây chỉ là nơi diễn ra các hoạt động mua bán thông thường như bao cái chợ khác. Vậy xin hỏi ông, sắp tới Lào Cai có khôi phục lại các nét đặc sắc của chợ phiên hay không, hay cứ để nó phát triển theo chiều hướng tự nhiên như hiện nay?

    Ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

    Xin cảm quý độc giả từ Hà Nội cũng như người dân địa phương đã quan tâm đến Chợ phiên Lào Cai. Chợ phiên của Lào Cai là điểm sinh hoạt văn hóa đặc sắc, đến nay việc khôi phục lại các nét đặc sắc của chợ phiên vẫn được các cấp chính quyền và ngành văn hóa quan tâm. Ví dụ như: Chợ phiên Cán Cấu ở SiMaCai, chợ Mường Hum, Chợ Bắc Hà... nhiều sản vật đặc trưng của đồng bào vẫn được bày bán, việc thăm hỏi giữa người thân, họ hàng, bạn bè mỗi khi gặp ở chợ phiên vẫn diễn ra. Các hoạt động giao lưu văn hóa như múa hát, thổi khèn tại chợ phiên hiện nay đã được khôi phục ở chợ đêm Sa Pa. Việc phục dựng những nét văn hóa độc đáo của chợ phiên sẽ được quan tâm, định hướng trong thời gian tới.

    - Tuy nhiên, với quan điểm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc Lào Cai, đặc biệt là phát huy những nét đẹp văn hóa đó trong các phiên chợ vùng cao, ngành văn hóa, thể thao và du lịch sẽ phối hợp với Sở Công thương trong việc giúp người dân bản địa có không gian chợ tốt nhất để thể hiện đặc sắc văn hóa của dân tộc mình, góp phần thu hút du khách tham quan.

    Thế còn làm thế nào để các chợ phiên này phát huy được giá trị thì trong các chu trương, đề án của tỉnh cũng đã đạt ra các mục tiêu là tạo điều kiện cho người dân được tham gia vào việc góp ý lựa chọn các địa điểm, rồi góp ý về việc xây dựng chợ sao cho phù hợp. trong thực tế thì cũng đã có những hiện tượng như quý đọc giả đã nêu (người dân không ngồi trong chợ mà lại ngồi ở ngoài) thì vẫn đề này chúng ta cần phải xem xét lại chứ không hẳn là chính quyền địa phương không tạo điều kiện cho người dân mà có lẽ do thói quen của người dân, họ thích ra ở bên lề đường gốc cây ... còn khi vào trong chợ không bị mưa không bị nắng thế nhưng người ta lại cảm thấy không thoải mái trong không gian đó. Thì đây cũng là một vấn đề cần phải nghiên cứu thiết kế chợ làm cho gần gũi với thiên nhiên gần gũi với cuộc sống thì sẽ có hiệu quả hơn.

    Tuy nhiên vẫn không thể tránh khỏi Ban Quản lý chợ tại một số địa phương có thể vẫn chưa chú tâm vào người dân, hoặc thông qua các hình thức đấu thầu thì người dân cũng không có kinh phí để mua những gian hàng rộng mà nhu cầu của họ chỉ cần một khoản không gian rất nhỏ để trưng bày các sản vật địa phương... Những ý kiến trên ngành Văn hóa cũng sẽ tiếp thu để vừa tuyên truyền cho người dân tham gia chuỗi hoạt động đã được quy hoạch trong chợ để đảm bảo an toàn giao thông cũng như nét đẹp văn hóa chợ phiên.

  • Người hỏi: Vũ Hoài Thu – Duyên Hải – Lào Cai

    Thưa Giám đốc Sở VH,TT-DL, theo tôi nhận thức của người đứng đầu các huyện, thành phố về vai trò, tầm quan trọng của văn hóa nói chung và công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc là yếu tố quyết định sự phát triển hay mai một nền văn hóa của địa phương đó. Ông nghĩ sao về vấn đề này?


    Ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

    Trong NQTW 5 ( khóa VIII) của Đảng đề cập “ Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội”, đến Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã ban hành  Nghị quyết 33-NQ/TW, ngày 09-6-2014 về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, Đảng ta tiếp tục khẳng định quan điểm đó và bổ sung, phát triển luận điểm mới là “ Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”. Chính bởi vậy, cả hệ thống chính trị phải nhận thức được điều này trong công tác chỉ đạo điều hành.

    UBND các huyện, thành phố là một bộ phân trong hệ thống chính trị. Trong đó, công tác bảo tồn, phát huy bản sắc các dân tộc cần có sự vào cuộc của cả một hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, với cơ chế, chính sách để lãnh chỉ đạo thực hiện. Hơn nữa, việc bảo tồn và phát huy bản sắc  văn hóa dân tộc rất cần sự tham gia của cộng đồng với tư cách là chủ thể của chính văn hóa dân tộc mình.

    Tóm lại việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là nhiệm vụ của toàn xã hội, trong đó có chính quyền các cấp, các cơ quan chuyên môn và đặc biệt là nhận thức của người dân. Do đó, việc nâng cao nhận thức của người dân về công tác bảo tồn, phát huy bản sắc các dân tộc là một trong những nhiệm vụ quan trọng.

  • Người hỏi: Ban Biên tập

    Lào Cai được coi là cái nôi của nền văn hóa đa sắc tộc, với 25 dân tộc sinh sống thì có tới 24 lễ hội lớn trong năm  như: hội Tết “Nhảy” của người Dao Đỏ, hội “Gầu Tào” của người H’Mông, hội “Lồng Tồng” của người Tày, hội “Roóng Poọc” của người Giáy ở Sapa, hội “Khu già già” của người Hà Nhi ở Bát Xát… Tuy nhiên các lễ hội này mới chỉ dừng lại cấp xã, phường chưa thu hút được sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân và có nguy cơ  bị mai một. Vậy để bảo tồn và phát huy các lễ hội trên địa bàn tỉnh Lào Cai trong gia đoạn tới Sở VH,TT-DL có giải pháp gì?


    Ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

    Hiện nay một số lễ hội của các dân tộc ở Lào Cai như lễ hội Gầu Tào của người Mông, lễ hội Lồng Tồng của người Tày, lễ hội Roóng Poọc của người Giáy,... đã thu hút đông đảo nhân dân các địa phương và du khách thập phương tham gia. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chính quyền địa phương, các công ty du lịch đã tích cực quảng bá các lễ hội đến với du khách trong và ngoài nước.

    Để bảo tồn và phát huy các lễ hội trên địa bàn tỉnh Lào Cai, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thực hiện một số biện pháp sau:

    - Tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành đề án số 8, đưa các nội dung bảo tồn di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn tỉnh Lào Cai trong đó có vấn đề bảo tồn các lễ hội truyền thống các dân tộc giai đoạn 2016 - 2020

    - Thực hiện chỉ đạo của Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Lào Cai, Sở đã xây dựng dự thảo đề án Bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2-16 - 2020 trình Bộ VHTTDL thẩm định. Đây sẽ là cơ sở pháp lý cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trong đó có rất nhiều lễ hội đã được công nhận.

  • Người hỏi: Trần Thị Hồng Thắm – Bát Xát

    Hiện nay trên toàn tỉnh có khoảng 45% nhà văn hóa thôn bản chưa đạt được tiêu chuẩn quy định và 30% nhà văn hóa không duy trì hoạt động vì đã hư hỏng, xuống cấp. Là người đứng đầu ngành, theo ông nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng trên?


    Ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

    - Thực trạng xây dựng và hoạt động của hệ thống nhà văn hóa thôn bản tỉnh Lào Cai như chị nêu trên là đúng. Sở dĩ có tình trạng trên theo tôi có nhiều nguyên nhân, song chủ yếu do một số nguyên nhân sau đây:

    + Hệ thống nhà văn hóa thôn bản tỉnh Lào Cai được xây dựng dàn trải qua 3 giai đoạn: 2000 – 2005, 2006 – 2010, 2011 – 2015. Trong đó, các giai đoạn trước năm 2010 chưa có sự chỉ đạo thống nhất của Trung ương, do tỉnh chủ động chỉ đạo thực hiện theo kế hoạch 151 năm 2003 về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở và Quy chế số 544 năm 2005 về tổ chức hoạt động và quản lý nhà văn hóa cộng đồng khu dân cư tỉnh Lào Cai nhằm tạo nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng cho nhân dân nên chưa có quy chuẩn bắt buộc tối thiểu, việc quy hoạch đất sử dụng và xây dựng nhà văn hóa không đảm bảo. Chỉ đến giai đoạn 2011 – 2015 do gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, cả nước thực hiện thống nhất theo sự chỉ đạo của Bộ VHTTDL tại các Thông tư số 6 năm 2011, số 05 năm 2011 thì các nhà văn hóa thôn bản mới được chỉ đạo xây dựng đạt chuẩn quy định.

    + Kinh phí hỗ trợ xây dựng của nhà nước thấp chỉ 20 triệu/nhà văn hóa, giai đoạn 2000 – 2010 trong khi đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, khả năng đóng góp rất hạn chế nên việc đầu tư xây dựng nhà văn hóa không đảm bảo, chất lượng thấp. Chỉ từ giai đoạn 2011 – 2015 do gắn với Chương trình xây dựng NTM mức hỗ trợ kinh phí cao hơn (30 – 50 triệu/NVH) mặt khác đời sống nhân dân được cải thiện hơn do tỷ lệ hộ nghèo giảm, khả năng đóng góp cao hơn. Nên mức đầu tư xây dựng nhà văn hóa ccao hơn, chất lượng xây dựng nhà văn hóa đảm bảo và hoạt động hiệu quả.

    + Kinh phí hoạt động các nhà văn hóa không có, hoàn toàn do nhân dân đóng góp. Nên những nơi nào nhân dân đóng góp được thì có kinh phí hoạt động, nhà văn hóa duy trì hoạt động hiệu quả và ngược lại nhiều nơi còn khó khăn, nhân dân không đóng góp được nên nhà văn hóa hoạt động cầm chừng, không duy trì được thậm chí đóng cửa không hoạt động.

  • Người hỏi: Ban Biên tập

    Lào Cai là tỉnh có nhiều dân tộc sinh sống, mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa đặc sắc riêng và đặc biệt là trình độ nhận thức của họ không đồng đều. Vậy trong thời gian qua công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn tỉnh gặp những khó khăn gì thưa ông?


    Ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

    - Lào Cai là tỉnh đa dân tộc, các yếu tố văn hoá truyền thống chi phối mạnh mẽ đến công cuộc phát triển kinh tế - xã hội. Trong quá trình nghiên cứu về bảo tồn, phát triển văn hoá truyền thống các dân tộc Lào Cai, Sở VHTTDL nhận thấy khó khăn trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống hiện nay là:

    - Bản sắc văn hóa của một số dân tộc thiểu số có nguy cơ bị mai một cao, thiếu phương án bảo tồn và phát huy hiệu quả (như trang phục, lễ hội, nghệ thuật trình diễn dân gian, phong tục tập quán...). Một số hủ tục lạc hậu, nhất là ở vùng cao, vùng sâu chậm được khắc phục (như các nghi lễ trong sinh đẻ, tang ma, cưới xin...).

    - Công tác sưu tầm, bảo tồn các di sản văn hóa chưa theo kịp sự biến đổi của di sản văn hóa. Văn hóa ngoại nhập tác động mạnh mẽ dẫn đến một số di sản, nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một cao, một số nghệ nhân cao tuổi mất đi chưa kịp truyền lại cho thế hệ trẻ. Sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc cùng sinh sống trên một địa bàn khiến bản sắc văn hóa truyền thống dần bị mai một. Một số lớp trẻ thiếu tự tin, thiếu tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc mình.

    - Do là tỉnh biên giới, có cửa khẩu quốc tế, giao lưu kinh tế - văn hóa phát triển, tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, đặc biệt là sự du nhập của làn sóng văn hóa thực dụng thông qua internet, phim ảnh, khách du lịch, sự phá hoại của các thế lực thù địch, tác động của sản phẩm văn hóa độc hại, v.v... gây khó khăn trong việc bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống. Nhiều sinh hoạt văn hóa, từ lễ hội đến biểu diễn nghệ thuật tiềm ẩn nguy cơ thương mại hóa, không giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống đặc trưng; các loại hình ca nhạc, nghệ thuật nước ngoài du nhập ngày càng nhiều, thu hút nhiều thanh niên hâm mộ tôn sùng, trong khi các loại hình nghệ thuật dân tộc truyền thống ngày càng khó chiếm ưu thế.

    Như vậy, công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức. Việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa hiện nay không chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu, sưu tầm hay duy trì một vài lễ hội, yếu tố văn hóa riêng lẻ mà cần có biện pháp cụ thể, hiệu quả, nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc giữ gìn văn hóa truyền thống. Với trách nhiệm là cơ quan quản lý chuyên ngành, Sở đã tham mưu và đẩy mạnh tuyên truyền để các cấp, các ngành, địa phương trong hoạt động của mình trong một chừng mực nào đó cần có sự tôn trọng tính đa dạng văn hóa các tộc người, tôn trọng tri thức bản địa của người dân để từ đó có những chính sách bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phù hợp, mang tính đặc thù ở miền núi, tính đặc thù đối với mỗi tộc người khác nhau; khuyến khích những người hiểu biết về văn hóa trong các cộng đồng dân tộc trao truyền cho thế hệ trẻ tiếp thu di sản văn hóa dân tộc; động viên thanh, thiếu niên các dân tộc tham gia học tập, giữ gìn văn hóa dân tộc, nhất là sử dụng, bảo tồn ngôn ngữ, trang phục, thực hành các loại hình nghệ thuật truyền thống. Đưa mục tiêu, nhiệm vụ phát bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc vào Nghị quyết của các cấp ủy Đảng, kế hoạch của các cấp chính quyền để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. 

  • Người hỏi: Trang Đỗ trangcbc7c@gmail.com

    Thưa Giám đốc Sở VH,TT-DL tỉnh Lào Cai, hiện nay  danh giới giữa hủ tục lạc hậu và giá trị văn hóa truyền thống rất mỏng manh. Vậy theo ông “thước đo” nào để phân biệt đó là hủ tục lạc hậu mà không phải văn hóa truyền thống và làm sao để xóa bỏ hủ tục lạc hậu mà vẫn giữ được giá trị văn hóa truyền thống ?


    Ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

    - Theo bạn nói, thực tế ranh giới giữa hủ tục lạc hậu và giá trị văn hóa truyền thống không phải là rất mỏng manh mà là khó phân biệt. Bởi giá trị văn hóa truyền thống có tính hai mặt là giá trị tích cực và giá trị tiêu cực tồn tại đan xen lẫn nhau;

    - “Thước đo” để phân biệt các hủ tục lạc hậu mà không phải văn hóa truyền thống theo tôi là cần phải nghiên cứu từng phong tục tập quán cụ thể của từng tộc người trong thời gian và không gian nhất định. Hủ tục lạc hậu thường nằm đan xen trong phong tục tập quán từng tộc người trong đó phong tục tập quán chỉ là một thành tố cấu thành của truyền thống văn hóa tộc người. Vì vậy không có một thước đo cụ thể nào thành công thức để đánh giá hủ tục lạc hậu mà không phải văn hóa truyền thống dân tộc. Song có một quan niệm chung rằng, hủ tục lạc hậu không phải văn hóa truyền thống, là những yếu tố lỗi thời, lạc hậu không còn phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội thậm chí còn kìm hãm sự phát triển, tiến bộ của xã hội cần loại bỏ.

    - Còn làm sao để xóa bỏ hủ tục lạc hậu mà vẫn giữ được giá trị văn hóa truyền thống ? Đây là câu hỏi mà từ thời gian qua nhất là từ khi Bộ Chính trị - Ban Chấp hành TW Đảng khóa VIII ban hành Nghị quyết TW 5 về “xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, các nhà lãnh đạo, nhà quản lý, nhà nghiên cứu tìm lời giải để xóa bỏ từng bước.

    Theo tôi, để xóa bỏ các hủ tục lạc hậu mà vẫn giữ được giá trị văn hóa truyền thống thì cần phải nghiên cứu sâu rộng vốn văn hóa truyền thống từng dân tộc; chọn lọc các giá trị tích cực cần phát huy và tiêu cực (còn gọi là lạc hậu) cần loại bỏ.Đồng thời tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân từng bước xóa bỏ các hủ tục lạc hậu trong từng phong tục tập quán dân tộc. Tuy nhiên, các hủ tục lạc hậu nằm trong văn hóa truyền thống dân tộc đã ăn sâu trong tiềm thức tộc người đòi hỏi phải có thời gian lâu dài không thể một sớm một chiều có thể xóa bỏ ngay được.

  • Người hỏi: Trần Thanh Tuấn – Bắc Cường – Lào Cai

    Thưa ông, tôi được biết hiện nay tỉnh ta đã có nhiều người được công nhận nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân. Vậy người như thế nào thì được công nhận là nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân và sau khi công nhận họ được hưởng những quyền lợi và nghĩa vụ gì?


    Ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

    - Trong đợt phong tặng danh hiệu lần đầu tiên, tỉnh Lào Cai đã có 09 cá nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.

    - Tiêu chuẩn để được công nhận là Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú, được quy định rõ tại Nghị định số 62/2014/NĐ-CP ngày 25/6/2014 Quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể:

    * Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”

    -  Trung thành với Tổ quốc Việt Nam; chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước;

    -  Có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong cuộc sống; tâm huyết, tận tụy với nghề; đào tạo được cá nhân đang tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể;

    - Có tài năng nghề nghiệp đặc biệt xuất sắc, có cống hiến to lớn, tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản VHPVT trong phạm vi cả nước, có thành tích, giải thưởng, sản phẩm tinh thần hoặc vật chất có giá trị cao về lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật, thẩm mỹ, kỹ thuật;

    - Có thời gian hoạt động trong nghề từ 20 năm trở lên và đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”.

    * Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”

    -  Như tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”

    -  Có thời gian hoạt động trong nghề từ 15 năm trở lên.

    * Nghị định cũng quy định rõ về Quyền và nghĩa vụ của Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú:

    - Được nhận Huy hiệu, Giấy chứng nhận của Chủ tịch nước và tiền thưởng kèm theo danh hiệu Nghệ nhân nhân dân,  Nghệ nhân ưu tú theo quy định của pháp luật về TĐKT.

    - Đối với Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn được hưởng trợ cấp sinh hoạt hàng tháng theo quy định của Chính phủ.

    - Không ngừng hoàn thiện tri thức và kỹ năng

    - Tích cực truyền dạy, phổ biến tri thức và kỹ năng

    - Các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật về TĐKT và pháp luật về DSVH.

  • Người hỏi: Ban Biên tập

    Thưa ông, như chúng ta đã biết, cứ mỗi dịp tết đến xuân về, trên khắp các địa bàn của tỉnh Lào Cai đều diễn ra các lễ hội truyền thống. Vậy để các lễ hội diễn ra đáp ứng nhu cầu văn hóa, tín ngưỡng, tạo sự đoàn kết giữa cộng đồng các dân tộc ở địa phương thì Sở VH,TT-DL đã có kế hoạch quản lý ra sao?


    Ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

    Trước các bất cập trong việc tổ chức các lễ hội trên địa bàn tỉnh Lào Cai, rồi các hoạt năm mới trong thời gian qua. Trong thời gian gần đây Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đã có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là đã nghiêm túc rút kinh nghiệm từ thực tiễn. Để đảm bảo việc tổ chức lễ hội đầu xuân được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân, Sở VHTTDL đã tập trung chỉ đạo tăng cường công tác quản lý nhà nước về lễ hội, cụ thể như sau:

     1. Hàng năm, vào dịp đầu xuân, Sở VHTTDL tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Chỉ thị và Kế hoạch tổ chức các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân trên địa bàn toàn tỉnh trong đó có chỉ đạo về tổ chức lễ hội tại các địa phương.

    2. Sở VHTTDL ban hành văn bản gửi phòng Văn hóa - Thông tin, UBND các huyện, thành phố về tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo các hoạt động tổ chức lễ hội trong đó có quán triệt các địa phương phải nghiêm túc chấp hành các văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, của Bộ VHTTDL về tổ chức và quản lý lễ hội.

    3. Yêu cầu, hướng dẫn Ban Tổ chức lễ hội, Ban Quản lý di tích tăng cường tuyên truyền về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; bố trí nơi đặt hòm công đức tại di tích ở vị trí thích hợp; đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống cháy nổ; giải quyết ách tắc giao thông; sắp xếp hàng quán khoa học v.v.....

    4. Xây dựng lịch lễ hội chung trong toàn tỉnh nhằm tạo điều kiện cho việc kiểm tra, quản lý được thống nhất. Căn cứ vào Lịch lễ hội này, các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh sẽ thống nhất phân công tham dự lễ hội tại các địa phương để nắm tình hình và có chỉ đạo sâu sát, kịp thời.

    5. Chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động tổ chức và quản lý lễ hội tại các địa phương trong tỉnh nhằm ngăn ngừa và xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động lễ hội. 

    Với các biện pháp trên, trong thời gian qua, công tác tổ chức và quản lý lễ hội trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã có những chuyển biến tích cực. Hoạt động lễ hội trên địa bàn toàn tỉnh diễn ra sôi nổi, lành mạnh, trở thành nét sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng tâm linh, thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách tham gia.

  • Người hỏi: Kế Toại nbketoai@gmail.com

    Thưa ông mỗi dân tộc đều có một nét văn hóa truyền thống riêng, như người: Người Tày có lối hát giao duyên (hát lượn, Phong Slư); người Mường hát Xéc bùa, hát bọ mẹng, hát đồng dao, hát ru; Người Thái múa xuè sạp, hát thơ; Người H’Mông thích thổi khèn (khèn lá, đàn môi để gọi người tình)… Tuy nhiên, đến nay các nét văn hóa đặc trưng đó đang bị mất dần. Tôi nghĩ để bảo tồn các giá trị văn hóa đó chúng ta cần phải đưa nó vào các trường học giảng dạy. Ông nghĩ sao về vấn đề này?


    Ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

    Trước hết tôi thấy những lời ca, giai điệu của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã đi vào thơ ca và rất đi vào lòng người. Nó vừa mang tính nhân văn, vừa mang tính triết lý. Ở Lào Cai đã có rất nhiều bài hát, bài thơ rất hay cũng xuất phát từ đời sống thường ngày của đồng bào dân tộc thiểu số Lào Cai.

    - Tôi hoàn toàn ủng hộ quan điểm đưa các di sản văn hóa vào giảng dạy tại các trường học. Trong những năm qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo các Phòng Văn hóa - Thông tin, Ban Quản lý di tích các huyện, thành phố về việc phối hợp với các trường học giới thiệu về các di sản văn hóa. Nhiều hoạt động ngoại khóa của các cấp trường học tham quan, tìm hiểu tại các di tích và các làng văn hóa truyền thống vào dịp kỷ niệm ngày di sản văn hóa 23/11 hằng năm.

    - Hiện nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng xong dự thảo Dự án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016 - 2020”, trong đó có tiểu dự ánNghiên cứu đưa giáo dục về di sản văn hóa vào hệ thống trường học. Hi vọng, khi dự án được triển khai thực hiện sẽ đạt kết quả và có thể nhân rộng mô hình.

  • Người hỏi: Nguyễn Mạnh Tiến – Phố Mới – Lào Cai

    Thưa Giám đốc Sở VH,TT-DL, để bảo tồn hệ thống di sản văn hóa phi vật thể phong phú và đa dạng của các dân tộc tỉnh Lào Cai, Sở VH,TT-DL đã có những biện pháp nào? Và đến thời điểm này đã đạt được kết quả ra sao?


    Ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

    Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai các giải pháp sau:

    - Thứ nhất, Trong giai đoạn vừa qua Ngành Văn hóa đã nỗ lực rất cao và được sự quan tâm của tỉnh và chính quyền các cấp, Sở VH,TT-DL đã  xây dựng và triển khai thành công Đề án số 13 về “Phát triển thiết chế văn hóa, bảo tồn và phát huy bản sắc văn háo các dân tộc Lào Cai giai đoạn 2011 - 2015”;

    - Thứ hai, triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, trong đó có hạng mục “Sưu tầm, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc tỉnh Lào Cai” cũng được tổ chức triển khai tích cực trong thời gian qua;

    - Thứ ba, tranh thủ xin nguồn vốn của các tổ chức phi chính phủ như UNESCO, AFD tài trợ về bảo tồn và phát huy tri thức bản địa các dân tộc thiểu số để tham gia các hoạt động bảo tồn phát huy giá trị văn hóa.

    - Thứ tư, Sở đã chủ động tổ chức kiểm kê, phân loại và lập danh mục về di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc tỉnh Lào Cai, trên cơ sở đó, tiến hành lựa chọn các di sản văn hóa tiêu biểu để lập hồ sơ khoa học đề nghị Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia để bảo tồn và phát huy.

    - Thứ năm, luôn quan tâm đến các nghệ nhân, người nắm giữ những tri thức, bí quyết thực hành các di sản văn hóa phi vật thể. Những người có công giữ gìn truyền thụ những nét văn hóa truyền thống cho thế hệ sau, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành lập hồ sơ trình lên cấp thẩm quyền công nhân các danh hiệu. Cho đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh đã có 9 nghệ nhân được công nhận.

  • Người hỏi: Trần Ngọc Linh pvngoclinh@gmail.com

    Thưa ông, Lễ hội Gầu Tào của người Mông ở Lào Cai đã được Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia (đợt 1, tháng 12 năm 2012), loại hình Lễ hội truyền thống. Tuy nhiên có ý kiến cho rằng hiện nay lễ hội Gầu Tào được các đơn vị (phòng văn hóa huyện) tổ chức ồ ạt, mất đi cái riêng của lễ hội. Bởi trước đây Lễ hội là nơi để các chàng trai phô diễn các thế võ cổ truyền, tiếng khèn, tiếng sáo, là nơi các đôi trai gái ý ới các câu hát đối thương nhau. Còn bây giờ thay vào đó là chọi chim, kéo co, đẩy gẩy mang tính thắng thua – thứ mà bất kể hội hè nào chúng ta cũng thấy. Điều này đã làm mất dần cái đặc sắc, cái riêng của Lễ hội Gầu Tào. Vậy là người đứng đầu ngành Văn hóa tỉnh ông nhận định thế nào về vấn đề này?

    Ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

    Trướ hết tôi thấy ý kiến của đọc giả này đã nêu ra các hiện tượng cũng đã có trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Nhưng tôi cũng xin khẳng định rằng đây cũng chỉ là hiện tượng thôi. Trước các vấn đề, các hiện tượng là thương mại hóa cac lễ hội, trước tình trạng một số lễ hội được tổ chức không được kiểm soát. Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các văn bản quy đinh của tỉnh Lào cai thì ngành Văn hóa tỉnh trong những năm gần đây đã có nhiều tham mưu đặc biệt với vai trò tham mưu cho tỉnh, SỞ VH,TT-DL đã hướng dẫn Phòng Văn hóa các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý lễ hội, đặc biệt là các lễ hội của các đồng bào dân tộc thiểu số.

    - Các lễ hội được tổ chức phải có đăng ký và cho phép của cơ quan có thẩm quyền, tránh tổ chức ổ ạt ở các địa phương. Trên địa bàn tỉnh Lào Cai, Lễ hội Gầu tào chỉ được tổ chức ở 8 địa phương, nơi có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống, có truyền thống và duy trì thường xuyên trong nhiều năm qua và ngày một tốt hơn.

    - Lễ hội Gầu tào được tổ chức, bản chất của lễ hội, phần nghi lễ vẫn được đảm bảo duy trì theo truyền thống. Về phần hội, nhiều trò chơi truyền thống của người H’Mông vẫn được tổ chức như: múa khèn, múa gậy sinh tiền và chù Gầu tào (hát giao duyên), thể hiện sự đoàn kết dân tộc. Bên cạnh đó, có mở rộng thêm các trò chơi của các dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn, trong đó trò chơi kéo co đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa đại diện của nhân loại.

    Việc tổ chức thêm các trò chơi trong lễ hội thể hiện sự hội nhập của các địa phương, của đồng bào các dân tộc.Bên cạnh đó, còn là để đáp ứng nhu cầu được tham gia của du khách trong nước và quốc tế trong phát triển du lịch.

    Trong các lễ hội thì không tránh khỏi các hoạt động bên lề, chưa phù hợp với các lễ hội truyền thống thì những nội dung này ngành văn hóa cũng sẽ tích cực tiếp thu các ý kiến này và từng bước có sự điều chỉnh.

  • Người hỏi: Trần Nhung tuyetnhung90vp@gmail.com

    Theo tôi Văn hóa là toàn bộ ứng xử của cộng đồng tộc người với tự nhiên và xã hội và tạo ra bản sắc riêng của từng dân tộc, làm nên bề dày truyền thống. Nhưng hiện nay nhiều văn hóa truyền thống đang dần mai một. Vậy theo ông sự mai một văn hóa truyền thống bản địa ấy sẽ để lại hậu quả như thế nào, thưa ông?

    Ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

    Việc biến đổi văn hóa truyền thống của các dân tộc cũng là một xu thế tất yếu của quá trình hội nhập và phát triển. Cùng với sự phát triển, cùng sự hội nhập của đất nước kèm theo đó là  văn hóa cũng không thể tách dời với các điều kiện kinh tế xã hội cho nên nó cũng sẽ có những chuyển biến nhất định. Nếu như chúng ta cứ để nó mất đi một cách tự nhiên thì sẽ dẫn đến:

    - Mất đi bản sắc văn hóa truyền thống; các giá trị tinh hoa văn hóa dân tộc không được duy trì và phát huy;

    - Mất đi các giá trị của các tri thức dân gian của cha ông đã để lại, các bí quyết nghề nghiệp, nghề thủ công...

    - Lớp trẻ không còn tiếp thu được văn hóa truyền thống của cha ông.

    Trước tình hình như vậy thì trong bất cứ Nghị quyết, đường lối, chủ trương nào của Đảng đều rất quan tâm đến vấn đề giữ gì phát huy bản sắc văn hóa. Đặc biệt là Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết Trung ương 5 ( Khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc cũng đã củng cố thêm một bước nữa trong quá trình hội nhập hiện nay. Cũng trong lộ trình đó, ở Lào Cai tỉnh Ủy, UBND tỉnh cũng đã có nhiều giải pháp và đặc biệt là đã ban hành các Đề án phát triển văn hóa, bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống; được đông đảo người dân tham gia, do vậy nhiều di sản vật thể, phi vật thể đã được công nhận và phát huy. Và Lào Cai là một trong những địa phương được đánh giá cao trong công tác bảo tồn phát huy giá trị truyền thống văn hóa các dân tộc

  • Người hỏi: Nguyễn Văn Thứ- minhthu404@gmail.com

    Thưa ông, Lào Cai được đánh giá là tỉnh có nền văn hóa đa sắc tộc. Tuy nhiên, hiện nay đang diễn ra tình trạng nhiều dân tộc đang có nguy cơ bị “đồng hóa” về ngôn ngữ và trang phục. Ví dụ: các dân tộc ở vùng biên giới lại có nguy cơ bị “Hán hóa”, “Choang hóa”… Còn các dân tộc ở vùng ven đô thị, ven đường giao thông lại có nguy cơ “Kinh hóa”. Cụ thể như người Hà Nhì ở Ý Tý, người Mông đang bỏ trang phục truyền thống của dân tộc mình và mặc trang phục của người Hà Nhì do Trung Quốc sản xuất bằng vải công nghiệp.Vậy theo ông tình trạng trên xuất phát từ đâu?


    Ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

    Như chúng ta đã biết:

    - Lào Cai là tỉnh miền núi biên giới, có 25 nhóm ngành dân tộc, có sự đoàn kết từ lâu đời tạo nên nét văn hóa đặc sắc của một tỉnh biên giới; Hiện nay trước sự phát triển của đất nước rồi quá trình hội nhập thì vấn đề biến đổi trong đó có trang phục, có ngôn ngữ là điều tất yếu. Tiếng Mông hiện nay đang được giữ gìn phát huy, rất nhiều cán bộ công chức đang học và giao tiếp bằng tiếng Mông rất tốt. Thế rồi chữ viết của người Dao cũng được duy trì và bảo tồn. Vậy thì ở đây không thể nói đến vấn đề "Hán hóa" hay "Choang hóa" cả. Đây là xu thế phát triển mà người dân tộc thiểu số có thể sử dụng được nhiều ngôn ngữ khác nhau nhưng vẫn giữ được ngôn ngữ truyền thống. 

    Còn vấn đề trang phục chúng tôi cho rằng:

    - Chúng ta cũng nên có một cách nhìn cởi mở hơn. Ví dụ nhưng trang phục của người Việt Nam chúng ta trước đây là Áo tứ thân phụ nữ bây giờ là áo dài, trước đây là nón quai thao còn bây giờ là nón lá bài thơ, đấy là sự phát triển. Thế còn người dân tộc thiểu số, do điều kiện giữ gìn các sản phẩm truyền thống thì phải mất rất nhiều công sức và thời gian mới có thể sản xuất được bộ trang phục của mình, những chiếc khăn của mình. Vậy thì công nghiệp hóa - hiện đại hóa rồi thì có rất nhiều các loại sản phẩm có sẵn trên thị trường hoặc trang phục được may sẵn trên thị trường. Trong những lúc lao động hoặc hoạt động khắc người ta có thể mặc những trang phục đó hoặc có thể kết hợp các chất liệu có sẵn với các chất liệu truyền thống vẫn tạo ra được các sản phẩm rất bắt mắt và phù hợp với truyền thống.

    Mặc dù có những biến đổi, song đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Lào Cai vẫn có ý thức giữ gìn trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc của mình. Nó thể hiện qua các dịp lễ hội lớn, nghi lễ cưới, tang người dân tộc thiểu số vẫn sử dụng trang phục truyền thống của mình. Do vậy chúng tôi cho rằng cái biến đổi thì có nhưng vẫn có ý thức giữ gìn truyền thống của dân tộc. Và tỉnh Lào Cai cũng đã có nhiều chủ trương, chunhs sách cụ thể để duy trì bảo tồn phát huy.

    Hiện nay chúng ta đã được chứng kiến nhiều hợp tác xã thổ cẩm sản xuất ra hàng thổ cẩm truyền thống bán ra thị trường. Vì vậy sản phẩm của chúng ta không những được duy trì phát huy mà vẫn có điều kiện phát triển.

  • Người hỏi: Ban Biên tập

    Thưa ông, với quan điểm văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội, trong nhiệm kỳ 2011-2015, BCH Đảng bộ tỉnh đã thống nhất phê duyệt đề án “Phát triển thiết chế văn hóa, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc Lào Cai” gọi tắt là Đề án số 13, Sở VH,TT và DL là cơ quan chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, huyện, thành phố triển khai thực hiện Đề án. Vậy xin ông cho biết, sau 5 năm triển khai, đến thời điểm này công tác bảo tồn phát huy giá trị truyền thống văn hóa trên địa bàn tỉnh đã đạt được những thành tựu nổi bật nào?


    Ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

    Sau 5 năm thực hiện đề án số 13, Sở VH,TT-DL tỉnh Lào Cai rất vui mừng được các sở, ban, ngành, địa phương phối hợp, cộng tác rất chặt chẽ. Vì vậy cho đến hết năm 2015 các mục tiêu Đề án 13 đặt ra đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức. Ví dụ như:

    1. Công tác xây dựng đời sống văn hoá

    Tính đến cuối năm 2015, toàn tỉnh có 78% gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa” (đạt 95,1% mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV); 67% thôn, làng, tổ dân phố được công nhận danh hiệu “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”(đạt 111,67% mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV); 95% cơ quan, trường học đạt tiêu chuẩn văn hóa (đạt 100% mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV). Các mục tiêu này đều đạt vượt mức so với kế hoạch năm 2015 đặt ra.

    2. Xây dựng thiết chế văn hóa

    Trong gia đoạn vừa rồi, được sự đầu tư của Nhà nước, Chính phủ, sự quan tâm chỉ đạo điều hành của tỉnh Ủy, HĐND, UBND tỉnh các thiết chế văn hóa từng bước đã được quan tâm xây dựng và củng cố. Giai đoạn 2011 - 2015 đã tiến hành khởi công công trình Bảo tàng tỉnh Lào Cai với tổng mức đầu tư của dự án là 93,178 tỷ đồng. Hoàn thành xây dựng Nhà văn hóa trung tâm của tỉnh với tổng số vốn được phê duyệt là 143 tỷ đồng, với các hạng mục công trình gồm: Khối nhà hát, rạp chiếu phim và khối nhà dịch vụ, khối thư viện và các hạng mục phụ trợ. Thực hiện đầu tư trang thiết bị cho Thư viện điện tử thuộc Thư viện tỉnh Lào Cai, đầu tư thiết bị cho các Đội Tuyên truyền lưu động  cấp huyện.

    Xây dựng 48 nhà văn hóa xã và Hội trường kiêm nhà văn hóa xã, nâng tổng số nhà văn hóa cấp xã toàn tỉnh lên 68 nhà, đạt 218% so với mục tiêu của Đề án. Xây dựng 472 nhà văn hóa thôn bản, tổ dân phố, đạt 111% mục tiêu của Đề án, đưa tổng số thôn bản có nhà văn hóa lên  65,7% (1.115 nhà văn hóa thôn bản).

    3. Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

    3.1. Về sưu tầm, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể:

    - Đã tiến hành kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc Mông, Dao, Tày, Giáy tại 500 làng, bản đạt 100% mục tiêu của Đề án.
    - Sưu tầm, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể nhóm các dân tộc thiểu số dưới 3.000 người gồm các dân tộc: Bố Y, La Chí, Hà Nhì, Pa Dí, Phù Lá đạt 100%  mục tiêu của Đề án.
    - Trog 5 năm qua Sở VH,TT-DL đã bám sát vào đề án, lập hồ sơ khoa học và trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận 16 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia (đạt 100% mục tiêu đề án).
    - Chú trọng công tác lập hồ sơ công nhận nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân; năm 2015 tỉnh Lào Cai đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú cho 09 nghệ nhân.
    - Hàng năm đã tiến hành sưu tầm, gìn giữ và khai thác và nâng cao các giá trị nghệ thuật dân ca, dân vũ truyền thống của các dân tộc Lào Cai, xây dựng thành các chương trình nghệ thuật biểu diễn  nhân dân các dân tộc trong, ngoài tỉnh và các chương trình giao lưu đối ngoại, phục vụ tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.

    3.2. Sưu tầm hiện vật, bảo tồn lễ hội truyền thống góp phần tạo ra sản phẩm du lịch văn hóa:

    - Tiến hành sưu tầm hơn 300 hiện vật gồm trang phục, đồ trang sức truyền thống, công cụ sản xuất, nhạc cụ và công cụ trong hoạt động tín ngưỡng của các dân tộc thiểu số: Bố Y, Pa Dí, Xa Phó, La Chí để chuẩn bị cho việc bảo tồn và trưng bày tại Bảo tàng tỉnh sau khi nhà Bảo tàng tỉnh đưa vào sử dụng.

    - Bảo tồn, duy trì 08 lễ hội tiêu biểu các dân tộc Lào Cai, như: Lễ hội "Gặt Tu Tu" của người Hà Nhì đen ở Ý Tý (Bát Xát), Hội cốm của dân tộc Tày huyện Bảo Yên, Lễ bảo vệ rừng của dân tộc Nùng huyện Mường Khương, Lễ hội tạ ơn trâu (Sừ dề pà) của người Bố Y, Lễ hội Gầu tào người Mông, Lễ hội xuống đồng của người Tày, Lễ hội Roóng Poọc của người Giáy, Lễ cấp sắc của người Dao. Các lễ hội được tái hiện và duy trì trong suốt những năm qua và đặc biệt đang được trú trọng phát triển trong thời gian gần đây góp phần  tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn cho loại hình du lịch khám phá.

  1 2 
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1