Tọa đàm trực tuyến chủ đề: “Chủ động ứng phó với dịch Dịch tả lợn Châu phi”

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, vào 14h00 ngày14/03, Cổng TTĐT tỉnh Lào Cai tổ chức Chương trình Tọa đàm trực tuyến giữa các tổ chức, cá nhân với ông Nguyễn Xuân Nhẫn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về chủ đề: “Chủ động ứng phó với dịch tả lợn Châu phi”.


Chương trình tọa đàm tập trung vào các vấn đề:

- Làm rõ triệu chứng, diễn biến, sự nguy hiểm của Dịch tả lợn Châu phi;

- Các giải pháp phòng, chống Dịch tả lợn Châu phi tại tỉnh Lào Cai;

-   Chính sách hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi khi bị dịch;

Dưới đây là nội dung chương trình:

  • Người hỏi: Nguyễn Thu Hoài - Phường Kim Tân
    Xin ông cho biết cách nhận biết thịt lợn nhiễm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Xin cảm ơn ông.
    Ông Nguyễn Xuân Nhẫn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT
    Lợn bị nhiễm dịch tả châu Phi có các nốt xuất huyết nằm dưới da, trên vành tai trông giống như vết muỗi đốt. Bốn chân, bụng, ngực của lợn có màu tím xanh. Khi mổ ra, lợn tả có dịch lẫn máu ở bụng và khoang ngực. Toàn bộ nội tạng, cơ thể đều xuất huyết, lá lách phình to, hạch bạch huyết lớn, phổi không bị xẹp, khí quản dính máu, chứa nhiều bọt, thận xuất huyết, niêm mạc dạ dày loét, ruột tắc và chứa máu.
    Có thể nhận biết thịt lợn nhiễm dịch tả bằng mắt thường. Nếu thịt có màu lạ như nâu, xám, đỏ thâm, xanh nhạt, phần bì lấm chấm xuất huyết, tai lợn bị tím, khi chạm tay thấy chảy nhớt, rỉ nước... thì là thịt ôi hoặc thịt lợn mắc bệnh.
    Thịt lợn khỏe mạnh có màu đỏ tươi tự nhiên, mỡ trắng sáng, da không có các đốm hay các vết khác thường, ngón tay ấn vào không bị lõm hay rỉ nước.
    Hiện nay, nhiều nơi sau khi xác nhận có lợn nhiễm dịch tả, các chủ cơ sở vẫn giết mổ lợn, sau đó sơ chế, tẩm ướp hóa chất, bán cho người tiêu dùng. Thịt ướp chất bảo quản trông đỏ tươi nhưng thớ thịt săn cứng mất độ đàn hồi. Cắt sâu vào bên trong, thịt khá nhũn, chảy dịch, màu hơi thâm, có mùi. Loại thịt này khi rửa sẽ chuyển màu nhợt và có mùi tanh rất khó chịu, mỡ có màu vàng. Lúc nấu, nước thịt ôi sẽ đục, mùi hôi, mỡ bề mặt tách thành những hình tròn nhỏ thay vì nổi váng lớn như thịt tươi.
    Để tránh mua phải thịt lợn bệnh, người tiêu dùng nên mua thịt ở những địa chỉ uy tín như siêu thị, cửa hàng chuyên cung cấp thịt sạch. Không nên vì giá rẻ mà chọn mua thịt lợn tại địa điểm bán không rõ nguồn gốc xuất xứ, nơi nhiều khói bụi, ruồi nhặng, không có biện pháp che chắn.

  • Người hỏi: Nguyễn Minh Tú - Phường Cốc Lếu
    Virus Dịch tả lợn Châu Phi không lây bệnh sang người, không lây cho các vật nuôi khác, vậy vẫn có thể ăn nem chua và các sản phẩm tương tự thưa ông?
    Ông Nguyễn Xuân Nhẫn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT
    Vi rút Dịch tả lợn Châu Phi có sức đề kháng cao, có thể tồn tại trong chất tiết, dịch tiết, trong xác động vật, trong thịt lợn và các chế phẩm từ thịt lợn như xúc xích, giăm bông, salami. Vi rút có khả năng chịu được nhiệt độ thấp, đặc biệt là trong các sản phẩm thịt lợn sống hoặc nấu ở nhiệt độ không cao nên vi rút có thể chịu được trong thời gian dài 3-6 tháng; vi rút có thể bị tiêu diệt ở nhiệt độ 56°C trong 70 phút hoặc ở 60°C trong 20 phút. Vi rút sống trong máu đã phân hủy được 15 tuần; trong máu khô được 70 ngày. Tuy nhiên virus này chịu nhiệt kém. virus này tồn tại được 3 giờ khi nấu ở nhiệt độ 50 độ C, 20 phút trong nhiệt độ 60 độ C, 2 phút trong nhiệt độ 90 độ C và bị tiêu diệt dưới 1 phút khi đun sôi ở 100 độ C.
    Dù lợn bị nhiễm bệnh tả Châu Phi không có khả năng lây sang người, song khi lợn bị tả, sức đề kháng kém đi nên rất dễ mắc thêm những loại bệnh lây nhiễm nguy hiểm khác như bệnh tai xanh, cúm, thương hàn, liên cầu lợn, lở mồm long móng... Đặc biệt, với bệnh liên cầu khuẩn lợn, vi khuẩn tồn tại trong miệng, mũi, họng dễ lây sang người khi tiếp xúc trực tiếp qua các vết thương, vết trầy xước, qua các món ăn tái sống, tiết canh. Khi nhiễm những vi khuẩn liên cầu, bệnh nhân có nguy cơ cao bị nhiễm độc tiêu hóa, nhiễm trùng máu, viêm não, viêm màng não, suy đa tạng... Do đó, người tiêu dùng cần mua sản phẩm từ lợn có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và phải nấu chín kỹ trước khi dùng, tránh ăn các sản phẩm như nem sống, nem chua, gỏi, tiết canh...

  • Người hỏi: Ban biên tập
    Có thể thấy Dịch tả lợn Châu Phi có tốc độ lây lan rất nhanh chỉ trong vòng hơn 01 tháng, cả nước đã có 16 tỉnh, thành xuất hiện Dịch tả lợn Châu phi gồm: Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hải Phòng, Thái Bình, Thái Nguyên, Hòa Bình, Điện Biên, Quảng Ninh, Bắc Cạn.... và con số này có lẽ sẽ không dừng lại tại đây. Thưa ông Nguyễn Xuân Nhẫn, tình hình dịch tả lợn Châu Phi ở Lào Cai hiện nay như thế nào?
    Ông Nguyễn Xuân Nhẫn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT
    1. Bệnh dịch tả lợn châu phi được phát hiện năm 1921 tại Kenia – Châu phi nên có tên gọi là bệnh dịch tả lợn châu phi. Theo thông tin từ Bộ NN và PTNT đến nay đã có 20 quốc gia xuất hiện bệnh Dịch tả lợn châu Phi và đã có hơn 1,08 triệu con lợn buộc phải tiêu hủy; Trong đó Trung Quốc tính đến ngày 17/2/2019, đã có 105 ổ Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại 25 tỉnh của Trung Quốc (trong đó có tỉnh Vân Nam và Quảng Đông gần biên giới với Việt Nam) và đã có hơn 950.000 con lợn các loại buộc phải tiêu hủy. 
    Tại Việt Nam tính đến ngày 13/3/2019 bệnh Dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra trên 150 xã, 40 huyện của 16 tỉnh, thành phố (đầu tiên là Hưng Yên, Thái Bình, và gần đây là Bắc Cạn, Sơn La, Điện biên…) làm trên 15.000 con lợn mắc bệnh và tiêu hủy. Nguy cơ dịch bệnh lây lan trên diện rộng là rất cao. 
    2. Tại Lào Cai tính đến thời điểm hiện tại, qua lấy mẫu giám sát và mẫu lợn nghi mắc bệnh đêm đi phân tích kết quả đều âm tính với DTCP. Khảng định hiện tại trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện lợn mắc bệnh DTCP.
    3. Tuy nhiên, để chủ động ngăn ngừa, ứng phó hiệu quả với bệnh DTCP tỉnh Lào Cai đã triển khai đồng bộ các giải pháp:
    - Ban hành CT, KH, Thông báo và các hướng dẫn chuyên môn về DTCP.
    - Kiện toàn BCĐ các cấp, giao rõ nhiệm vụ, trách nhiệm cho thành viên.
    - Thành lập các tổ chốt trên QL, nút giao và tổ cơ động các huyện.
    - Phát động tháng tiêu độc khử trùng trong chăn nuôi.
    - Tuyên truyền đến các thôn bản, hộ dân để hiểu rõ, đúng về DTLCP.
  • Người hỏi: Ban biên tập
    Xin ông hãy cho biết, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi lây truyền như thế nào? Nguyên nhân gây bệnh Dịch tả lợn Châu Phi?
    Ông Nguyễn Xuân Nhẫn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT
    Vi rút Dịch tả lợn Châu Phi lây nhiễm qua đường hô hấp và tiêu hóa, thông qua sự tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với các vật thể nhiễm vi rút như: Chuồng trại, phương tiện vận chuyển, dụng cụ, đồ dùng, quần áo nhiễm vi rút và ăn thức ăn thừa chứa thịt lợn nhiễm bệnh hoặc bị ve mềm cắn.
    Bệnh dịch tả lợn Châu phi không lây nhiễm sang người. Cho đến nay chưa phát hiện thấy trường hợp nào các động vật khác bị nhiễm bệnh dịch tả lợn Châu phi.
    Nguyên nhân gây bệnh dịch tả lợn Châu phi đây là bệnh dịch nguy hiểm do vi rút gây ra. Bệnh lây lan nhanh và xảy ra ở mọi loại lợn, mọi lứa tuổi của lợn. Bệnh gây thiệt hại nghiêm trọng với tỷ lệ chết lên đến toàn đàn. Vi rút gây bệnh dịch tả lợn Châu Phi có sức đề kháng cao trong môi trường. Lợn khỏi bệnh có thể mang vi rút trong thời gian dài. Có thể là vật chủ mang trùng suốt đời. Do vậy, khó có thể loại trừ được bệnh dịch này trong môi trường.

  • Người hỏi: Ban biên tập
    Xin ông nói rõ hơn về những triệu chứng lâm sàng của bệnh là gì? Cách chẩn đoán bệnh như thế nào?
    Ông Nguyễn Xuân Nhẫn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT
    Triệu chứng lâm sàng của bệnh Dịch tả lợn Châu phi có tại Việt Nam hiện nay thường có một số biểu hiện sau: 
    - Thể quá cấp tính là do vi rút có độc lực cao, lợn sẽ chết nhanh, không biểu hiện triệu chứng hoặc lợn sẽ nằm và sốt cao trước khi chết. 
    - Ở thể cấp tính, lợn sốt cao từ 40 đến 42 độ C trong 2 đến 3 ngày đầu tiên. Lợn không ăn, lười vận động, ủ rũ, nằm chồng đống lên nhau. Lợn thích nằm chỗ có bóng dâm hoặc gần nước. Lợn có biểu hiện đau vùng bụng như lưng cong, di chuyển bất thường. Một số vùng da trắng chuyển sang màu đỏ, đặc biệt là ở vành tai, đuôi, cẳng chân, da phần dưới vùng ngực và bụng. Có thể có màu sẫm xanh tím. Trong 1 đến 2 ngày trước khi con vật chết, có biểu hiện triệu chứng thần kinh, di chuyển không vững, nhịp tim nhanh, thở gấp, khó thở hoặc có bọt lẫn máu ở mũi. Viêm mắt, nôm mửa, tiêu chảy đôi khi lẫn máu hoặc có thể táo bón. Phân cứng đóng viên có chất nhầy và máu bao quanh. Lợn sẽ chết trong vòng từ 6 đến 20 ngày. Lợn nái mang thai có thể xảy thai ở mọi giai đoạn. 
    Chẩn đoán phân biệt: Dịch tả lợn Châu Phi và Dịch tả lợn cổ điển khó có thể chẩn đoán phân biệt nếu dựa vào các triệu chứng lâm sàng và bệnh tích. Vì vậy, trong mọi trường hợp, phải lấy mẫu xét nghiệm tại phòng thí nghiệm để xét nghiệm phát hiện mầm bệnh.
    - Các bệnh khác cần được chẩn đoán phân biệt với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi bao gồm các bệnh: Bệnh tai xanh (PRRS), đặc biệt là thể cấp tính, bệnh Đóng dấu lợn, bệnh Phó thương hàn, bệnh Tụ huyết trùng, bệnh liên cầu khuẩn...

  • Người hỏi: Ban biên tập
    Thưa ông, Dịch tả lợn châu Phi đã được phát hiện ở 16 tỉnh phía Bắc nước ta. Tại Trung Quốc, tính đến ngày 17/2/2019 đã có 105 ổ Dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện tại 25 tỉnh, trong đó có tỉnh Vân Nam - giáp với tỉnh Lào Cai. Xin ông cho biết nguy cơ xuất hiện dịch bệnh này ở Lào Cai là như thế nào?
    Ông Nguyễn Xuân Nhẫn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT
    Tại tỉnh Lào Cai, do tình hình chăn nuôi nhỏ lẻ là chủ yếu, mật độ chăn nuôi cao, các biện pháp phòng bệnh chưa được thực hiện thường xuyên và liên tục; việc buôn bán, giết mổ, tiêu thụ thịt lợn và sản phẩm từ lợn gia tăng; lượng khách du lịch vào địa bàn tỉnh Lào Cai lớn; việc buôn bán, vận chuyển bất hợp pháp lợn và các sản phẩm của lợn từ Trung Quốc và các địa phương trong nước đang có dịch, thông qua đường bộ, đường sông, đường sắt chưa được kiểm soát chặt chẽ, theo đó mầm bệnh có thể trôi theo sông, suối hoặc theo chim di cư vì vậy theo tôi Bệnh dịch tả lợn Châu phi có khả năng lây nhiễm vào địa bàn tỉnh Lào Cai nguy cơ là rất lớn.
  • Người hỏi: Ban biên tập
    Trước thực tế là các hộ dân chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán còn nhiều nên chắc chắn việc phòng ngừa dịch bệnh và sự lây lan của nó sẽ phức tạp hơn rất nhiều, vậy xin ông cho biết thêm về nội dung này?
    Ông Nguyễn Xuân Nhẫn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT
    Như tôi đã trình bày ở trước tình hình chăn nuôi của tỉnh ta còn nhỏ lẻ, phân tán vì vậy nguy cơ lây nhiễm vào địa bàn tỉnh là rất cao công tác phòng ngừa dịch bệnh càng khó khăn vì vậy chúng ta phải tập chung vào một số việc cụ thể như sau:
    - Theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh trong và ngoài nước, nhất là tại các tỉnh miền bắc và Trung Quốc để để tuyên truyền, cảnh báo và hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi; nhưng tránh hiểu lầm và gây hoang mang trong xã hội;  
    - Thống kê, nắm bắt thực tế tổng đàn lợn; tạm dừng việc mua con giống từ các địa phương khác về nuôi, nhằm giảm số lượng đàn lợn trong tình hình bệnh Dịch tả lợn Châu Phi hiện nay;
    - Hướng dẫn chăn nuôi an toàn sinh học;
    - Phát động đợt cao điểm vệ sinh khử trùng tiêu độc từ 10/3/2019; 
    - Hướng dẫn người chăn nuôi, thú y cơ sở tiếp tục tăng cường theo dõi, giám sát đàn lợn; nếu phát hiện lợn ốm, chết, nghi mắc bệnh Dịch tả lợn Châu Phi hoặc lợn chết không rõ nguyên nhân hoặc lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc thì cần lấy mẫu gửi chẩn đoán, xét nghiệm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi;

  • Người hỏi: Ban biên tập
    Như ông cho biết, nguy cơ dịch tràn vào Tỉnh ta là rất lớn, vậy sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có cách thức gì để phối hợp với các sở, ban, ngành, liên quan để phòng chống sự xâm nhiễm của dịch bệnh này?
    Ông Nguyễn Xuân Nhẫn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT
    Trước mắt chúng ta phải chủ động, tổ chức kiểm soát, ngăn chặn phương tiện vận chuyển lợn và sản phẩm của lợn ra, vào hoặc đi qua địa bàn; xử lý vi phạm, tiêu hủy động vật, sản phẩm động vật vận chuyển trái phép, phun thuốc sát trùng các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; thành lập Chốt kiểm dịch, Tổ kiểm soát dịch bệnh, như:
    + Huyện Bảo Yên: Thành lập Chốt tại Km 78- Quốc lộ 70;
    + Thành phố Lào Cai: Thành lập Tổ kiểm soát tại Ga Lào Cai; 
    + Huyện Bảo Thắng: Thành lập Tổ kiểm soát tại Trạm thu phí đường cao tốc xã Gia Phú và nút giao xã Xuân Giao;
    + Huyện Văn Bàn: Thành lập Tổ kiểm soát tại Trạm thu phí đường cao tốc nút giao xã Tân An.
    + Căn cứ tình hình dịch bệnh và thực tế địa phương, UBND các huyện thành phố chủ động đề xuất thành lập các Chốt kiểm dịch động vật, Tổ kiểm soát dịch bệnh, ngăn chặn, ứng phố hiệu quả bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn.
    - Thứ 2 thống kê, nắm bắt thực tế tổng đàn lợn; tạm dừng việc mua con giống từ các địa phương khác về nuôi, nhằm giảm số lượng đàn lợn trong tình hình bệnh Dịch tả lợn Châu Phi hiện nay;
    - Thứ 3 tăng cường hướng dẫn, tuyên truyền về bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, đồng thời hướng dẫn người chăn nuôi lợn chủ động áp dụng các biện pháp sinh học như rắc vôi bột xung quanh chuồng trại, phun thuốc tiêu độc khử trùng; không tham gia mua bán, vận chuyển, tiêu thụ lợn bệnh, lợn nghi bị bệnh, các sản phẩm thịt lợn bệnh; mua con giống rõ nguồn gốc, không sử dụng thức ăn thừa; thức ăn tận dụng chưa qua xử lý nhiệt chín. 
    - Đối với các trang trại, hộ chăn nuôi lớn, yêu cầu tất cả các cán bộ, công nhân kỹ thuật phải thực hiện nghiêm; hạn chế người ra, vào trang trại, xử lý, sát trùng mọi phương tiện, dụng cụ ra, vào trang trại; có biện pháp ngăn chặn, diệt côn trùng gây hại; thường xuyên tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng khu vực nuôi, khu vực xung quanh. 
    Khi có lợn bệnh, nghi bị bệnh phải báo chính quyền và cơ quan chuyên môn để lấy mẫu xác định nguyên nhân; không được bán chạy, giết mổ, vận chuyển đi nơi khác.

  • Người hỏi: Ban biên tập
    Trong nỗ lực phòng, chống dịch thì điều mà chúng ta cần nhắc đến là ý thức của người chăn nuôi, bởi rõ ràng là khi dịch bệnh xảy ra thì người chăn nuôi sẽ là người chịu thiệt thòi nhất, ông có khuyến cáo gì để người chăn nuôi phòng chống sự xâm nhiễm của dịch bệnh?
    Ông Nguyễn Xuân Nhẫn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT
    Hiện nay chưa có vắc xin và thuốc điều trị được bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, vì vậy giải pháp phòng bệnh là chính, đối với người chăn nuôi chủ động áp dụng các biện pháp sinh học như rắc vôi bột xung quanh chuồng trại, phun thuốc tiêu độc khử trùng; không tham gia mua bán, vận chuyển, tiêu thụ lợn bệnh, lợn nghi bị bệnh, các sản phẩm thịt lợn bệnh; mua con giống rõ nguồn gốc, nuôi cách ly theo dõi ít nhất 7 ngày; không sử dụng thức ăn thừa; thức ăn tận dụng chưa qua xử lý nhiệt chín. Thức ăn: phải đảm bảo đủ nhu cầu dinh dưỡng. Hàng ngày phải vệ sinh máng ăn, máng uống sạch sẽ. Các dụng cụ chứa dựng, chuyên chở phải thường xuyên vệ sinh sạch sẽ, để ngoài khu vực chứa thức ăn cho lợn. Nước uống: Luôn cung cấp đủ lượng nước sạch cho vật nuôi uống, không để đọng nước trong khu chăn nuôi làm mất vệ sinh.
    Đối với các trang trại, hộ chăn nuôi lớn yêu cầu tất cả các cán bộ, công nhân kỹ thuật phải thực hiện nghiêm; hạn chế người ra, vào trang trại, xử lý, sát trùng mọi phương tiện, dụng cụ ra, vào trang trại; có biện pháp ngăn chặn, diệt côn trùng gây hại; thường xuyên tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng khu vực nuôi, khu vực xung quanh.
  • Người hỏi: Ban biên tập
    Thưa ông hiện nay phía chính quyền có chính sách hỗ trợ người chăn nuôi lợn thực hiện các giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi không?
    Ông Nguyễn Xuân Nhẫn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT
    Hiện nay, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch số 101/KH-UBND ngày 07/3/2019 hành đọng ứng phó khẩn cấp đối với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh Lào Cai trong đó khi có dịch xảy ra sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
    1. Tiêu hủy lợn, sản phẩm lợn bị bệnh, nghi bị bệnh Dịch tả lợn Châu Phi
    - Không điều trị lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.
    - Trường hợp 01 ổ dịch là hộ, cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, gia trại không có dãy chuồng riêng biệt: buộc phải tiêu hủy toàn đàn trong vòng 24 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Việc tiêu hủy cũng được áp dụng đối với các đàn lợn xung quanh, liền kề với đàn lợn dương tính nhưng chưa được lấy mẫu xét nghiệm.
    - Đối với chăn nuôi trang trại số lượng lớn có nhiều dãy chuồng riêng biệt thì tiêu hủy toàn bộ lợn trong dãy chuồng có lợn mắc bệnh; các dãy chuồng còn lại áp dụng các biện pháp an toàn sinh học và lấy mẫu giám sát định kỳ. Nếu có nguy cơ lây nhiễm cao thì tiêu hủy toàn trang trại.
    - Khi tiêu hủy lợn bệnh, nghi mắc bệnh Dịch tả lợn Châu Phi sẽ tiêu hủy toàn bộ thức ăn thừa của lợn, chất thải, chất độn chuồng của lợn và thực hiện khử trùng tiêu độc, tiêu diệt triệt để mầm bệnh.
    - Hỗ trợ tài chính cho người chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy theo quy định tại Nghị định 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh: Định mức là 38.000 đồng/kg lợn hơi; đảm bảo tương đương 80% giá bán trên thị trường, đối với lợn nái, đực giống, mức hỗ trợ bằng 1,5 đến 1,8 lần mức nêu trên (theo Nghị quyết của Chính phủ); kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách dự phòng các huyện, thành phố.
    2.  Khoanh vùng ổ dịch
    - Vùng bị dịch uy hiếp: Trong phạm vi 03 km xung quanh ổ dịch, thực hiện việc tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc liên tục 01 lần/ngày trong vòng 1 tuần đầu tiên; đồng thời theo dõi lâm sàng và lấy mẫu xét nghiệm để xác định vi rút Dịch tả lợn Châu Phi.
     - Vùng giám sát dịch bệnh: Trong phạm vi 10 km xung quanh ổ dịch, thực hiện việc tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc với tần suất 01 lần/tuần liên tục trong vòng 1 tháng kể từ khi có ổ dịch; đồng thời thực hiện việc theo dõi lâm sàng và lấy mẫu xét nghiệm để xác định vi rút Dịch tả lợn Châu Phi.
    - Thành lập Tổ, Chốt kiểm soát dịch bệnh, ngăn chặn lợn và sản phẩm của lợn ra, vào ổ dịch, khử trùng toàn bộ phương tiện qua Tổ, Chốt. 
    3. Dừng vận chuyển lợn và các sản phẩm lợn
    - Nghiêm cấm vận chuyển lợn và các sản phẩm lợn ra, vào vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp và vùng đệm. 
    - Đối với lợn trưởng thành hoặc trong trường hợp chủ cơ sở nuôi lợn có nhu cầu giết mổ thì được phép giết mổ dưới sự giám sát của cán bộ thú y với điều kiện kết quả xét nghiệm âm tính với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Thịt lợn và sản phẩm thịt lợn chỉ được phép tiêu thụ trong phạm vi vùng bị dịch uy hiếp hoặc vùng giám sát.
    4. Quản lý chăn nuôi, an toàn sinh học, tái đàn sau khi hết dịch
    - Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt; xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh.
    - Thời điểm tái đàn sau dịch: 30 ngày kể từ khi tiêu hủy lợn hoặc sản phẩm lợn bị nhiễm bệnh và đã thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định.

  • Người hỏi: Ban biên tập
    Nhiều người dân hoang mang, lo lắng Dịch tả lợn Châu Phi có thể lây lan sang người, ông có thể nói rõ về vấn đề này không ạ? 
    Ông Nguyễn Xuân Nhẫn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT
    Dịch tả lợn Châu Phi không lây lan sang người nên yếu tố dịch bệnh ở người sẽ không xảy ra. Người không bị mắc bệnh này nếu vô tình nhiễm phải vi rút gây bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Mặt khác tỉnh Lào Cai chưa xuất hiện bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, do vậy giải pháp lúc này là chúng ta phải tuyên truyền để tránh sự hoang mang quá mức cần thiết của người chăn nuôi dẫn đến nhiều hệ lụy khác và người tiêu dùng tiếp tục sử dụng thịt lợn, tiếp tục đưa thịt lợn vào thực đơn các bếp ăn tập thể, nhà hàng, khách sạn, trường học, bệnh viện…., nhất là thịt lợn và sản phẩm của lợn chăn nuôi, sản xuất trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp tuyên truyền sai sự thật về bệnh Dịch tả lợn Châu Phi nhất là các trang mạng xã hội hiện nay theo đúng quy định.
  • Người hỏi: Ban biên tập
    Thưa ông, khi có dịch bệnh xảy ra thì giá sản phẩm của người nông dân làm ra sẽ bị giảm xuống. Vậy, với vị trí chức năng nhiệm vụ của mình Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có những giải pháp gì để hạn chế thiệt thòi của người nông dân.
    Ông Nguyễn Xuân Nhẫn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT
    Hiện có một số thông tin rằng giá thịt lợn hơi đang có xu hướng giảm xuống. Trước tình hình này đối với cơ quan nhà nước chúng tôi đã biên soạn tài liệu tuyên truyền về Dịch tả lợn Châu Phi rất ngắn gọn. Để làm tài liệu cho cấp xã tổ chức họp thôn cho người dân nắm được Dịch tả lợn Châu Phi không nguy hiểm, không lây sang người và các sản phẩm từ lợn và thịt lợn vẫn có thể sử dụng được. Đồng thời đọc tài liệu trên các loa truyền thanh, đề nghị Ban tuyên vận các cấp tích cực tuyên truyền các nội dung theo tài liệu đã được biên soạn. 
    Tóm lại là phải đa dạng về hình thức tuyên truyền để người dân hiểu đúng Dịch tả lợn Châu Phi để từ đó người tiêu dùng tiếp tục sử dụng thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn. Đồng thời qua các Hội Nông sản an toàn chúng tôi cũng khuyến cáo, giới thiệu các địa điểm chế biến, cung cấp thịt lợn và sản phẩm từ thịt lợn có nguồn gốc và có chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm để người tiêu dùng biết và sử dụng thịt lợn sạch bình thường như khi chưa có dịch.
  • Người hỏi: Ban biên tập
    Thưa ông Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chuẩn bị kịch bản như thế nào nếu Dịch tả lợn Châu Phi xảy ra trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Đồng thời việc tái đàn được thực hiện như thế nào để đảm bảo an ninh lương thực và không ảnh hưởng lớn đến kinh tế của người chăn nuôi?
    Ông Nguyễn Xuân Nhẫn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT
    Nếu như có tình huống xấu mà Dịch tả lợn Châu Phi có xảy ra ở một huyện hoặc một khu vực nào đó trên địa bàn tỉnh thì trước tiên chúng tôi khuyến cáo tại khu vực đó thời điểm diễn ra dịch bệnh không thực hiện việc tái đàn. Sau khi Dịch tả lợn Châu Phi đã được khống chế, sau thời gian một tháng chúng tôi có thể cho tiếp tục tái đàn. Nhưng sẽ thực hiện dần dần và bắt đầu từ từ 10%. Sau đó tăng dần và tiếp tục theo dõi khả năng lây nhiễm, phát tán hoặc là sự tồn dư virut Dịch tả lợn Châu Phi trong môi trường để tiếp tục quyết định tỷ lệ đàn tái đàn là bao nhiêu %. 
  • Người hỏi:
     
    Ban Biên tập xin trân trọng cảm ơn Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai cùng Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Lào Cai đã phối hợp thực hiện chương trình. Cảm ơn quý đọc giải đã quan tâm theo dõi và gửi câu hỏi đến chương trình.
     
Thông báo:
Chương trình đối thoại không tồn tại!
 
Chương trình đối thoại  (*) Chương trình đối thoại
Họ và tên (*)
Địa chỉ (*)
Số điện thoại (*)
Địa chỉ Email
Nội dung câu hỏi (*)
RadEditor - HTML WYSIWYG Editor. MS Word-like content editing experience thanks to a rich set of formatting tools, dropdowns, dialogs, system modules and built-in spell-check.
RadEditor's components - toolbar, content area, modes and modules
   
Toolbar's wrapper 
 
Content area wrapper
RadEditor's bottom area: Design, Html and Preview modes, Statistics module and resize handle.
It contains RadEditor's Modes/views (HTML, Design and Preview), Statistics and Resizer
Editor Mode buttonsStatistics moduleEditor resizer
 
 
RadEditor's Modules - special tools used to provide extra information such as Tag Inspector, Real Time HTML Viewer, Tag Properties and other.
   
Nhập mã kiểm tra
Những mục có đánh dấu (*) là bắt buộc phải nhập
  Gửi câu hỏi Xóa nội dung
  1 2 
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1